Giữa năm 2021, các tỉnh, thành phía Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, lưu thông hàng hóa hạn chế, các chợ đầu mối lớn đóng cửa. Nhưng chỉ một vài tháng “lao đao” vì giãn cách, các doanh nghiệp và người nuôi đã nhanh chóng quay trở lại nhịp độ sản xuất, chế biến, xuất khẩu vốn có.

Có thể nói, dù đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, nhưng ngành thủy sản đã nhanh chóng thích nghi với tình trạng “bình thường mới” để hoạt động hiệu quả hơn cả sự mong đợi. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản các loại năm 2021 đạt 8,73 triệu tấn, tăng nhẹ 1% so năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9%; sản lượng nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1%. Ước sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2021 đạt 931.000 tấn (tăng 5,5% so năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 265.000 tấn và TTCT đạt 666.000 tấn. Sản xuất cá tra đạt sản lượng 1,484 triệu tấn, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2020 (1,553 triệu tấn); diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, bằng cùng kỳ năm 2020. Về kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so năm 2020 (8,41 tỷ USD), đạt 104,6% so kế hoạch (8,5 tỷ USD). Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành thủy sản năm 2021 lên tới 9,57 tỷ USD, tăng 7,6% so năm 2020.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2021, các mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng, đặc biệt là các mặt hàng trị giá kim ngạch trên 2 tỷ USD như: Gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, cao su, rau quả, gạo, cà phê… Trong đó, nhóm hàng thủy sản giữ vị trí “á quân” khi mang về 8,89 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021.

Để đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng, các doanh nghiệp, người công nhân và nông nhân đều nỗ lực hết mình trong thời gian qua. Đó là những người công nhân sẵn sàng làm tăng ca, những nhà máy thực hiện “3 tại chỗ”, “một cung đường – hai điểm đến”. Nhiều kỹ sư, chuyên gia hàng tháng trời không về thăm gia đình. Những người nông dân cũng nỗ lực sản xuất dù nhiều thời điểm việc tiêu thụ rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp “hy sinh” lợi nhuận bằng việc cắt giảm 30% công suất để đảm bảo giãn cách, an toàn cho công nhân. Nhiều nhà máy tăng 40% chi phí ăn ở, đi lại cho công nhân để đảm bảo tiến độ các hợp đồng. Tất cả với mục tiêu đưa ngành thủy sản Việt Nam vươn xa trên thị trường thế giới dù đại dịch hoành hành.

Cùng đó, để giữ vững được tăng trưởng, sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, giải pháp điều hành linh hoạt của Bộ NN&PTNT, sự nỗ lực lớn của địa phương, doanh nghiệp, người dân… là rất kịp thời để tháo gỡ khó khăn. Minh chứng, ngay khi các ngành hàng nông sản trong đó có thủy sản có dấu hiệu ùn ứ, đứt gãy chuỗi sản xuất, đặc biệt là khu vực phía Nam, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng thành lập đoàn công tác 970 phối hợp với các địa phương đưa ra nhiều giải pháp tích cực, kịp thời giúp đỡ tiêu thụ nông sản tại các vùng miền. Đoàn công tác 970 đã liên kết các vùng nguyên liệu, kết nối các điểm bán sản phẩm, tháo gỡ ách tắc trong trung chuyển hàng nông sản để giúp đỡ người dân, doanh nghiệp tại các vùng nguyên liệu bị ảnh hưởng dịch. Đặc biệt, theo Bộ NN&PTNT, ngay sau giãn cách xã hội, mở cửa trở lại hoạt động, các doanh nghiệp trong ngành đã dồn tổng lực sản xuất, chạy đua tiến độ, gấp rút hoàn thành các đơn hàng cuối năm, mở cửa trở lại hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Thành công ngoạn mục của ngành thủy sản trong bức tranh chung của ngành nông nghiệp năm 2021, theo các chuyên gia còn đến từ những nỗ lực mở cửa thị trường thông qua đàm phán thương mại song phương và đa phương của Chính phủ nhằm tháo gỡ các rào cản, minh bạch hóa các tiêu chuẩn, quy định tại thị trường giúp xuất khẩu đã có sự tăng trưởng cân đối hơn, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi đặt ra những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản, nhóm hàng chịu ảnh hưởng tương đối lớn của dịch bệnh. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA; vừa giúp đa dạng hóa thị trường, vừa mở rộng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa vốn có lợi thế sang các thị trường có tiềm năng, cho giá trị gia tăng cao hơn.

Sự phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong tháng cuối năm 2021 chắc chắn sẽ tạo đà thuận lợi cho xuất khẩu trong năm 2022. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU và Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022, trong khi tại các thị trường châu Á sẽ sớm được khôi phục. Tại thị trường Mỹ, với việc tôm Ấn Độ có thể bị tăng thuế chống phá giá, cũng sẽ mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam.

Hiện nay, TTCT và tôm sú xuất khẩu của Việt Nam có nhiều nước cạnh tranh nhất là tại những thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… Nhưng tôm Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 nhờ chất lượng ổn định, từ tôm nguyên liệu đông lạnh đến chế biến giá trị gia tăng có sản phẩm rất đa dạng phù hợp với mọi phân khúc thị trường. Để đạt mục tiêu xuất khẩu trên 4 tỷ USD vào năm 2022, Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất theo liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm hiệu quả, liên kết giữa các địa phương nuôi tôm để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Xúc tiến hoạt động xuất khẩu thông qua các hội chợ thương mại quốc tế.

Còn với cá tra, dự báo, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này cả năm 2021 ước 1,54 tỷ USD, tăng 3% so năm 2020. Để có được kết quả này, theo lý giải của VASEP, là do nhu cầu tiêu thụ cá tra tại một số thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc trở lại mức trước khi xảy ra dịch COVID-19. Trong số đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra của Việt Nam. Sau khi phục hồi vào nửa cuối năm 2020, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3, tháng 4/2021. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các FTA sẽ là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường, nhất là những thị trường nhỏ tiềm năng như: Mexico, Brazil, Nga, Colombia, Thái Lan… Từ những triển vọng đó, dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022 sẽ đạt 1,65 tỷ USD, tăng khoảng 7% so năm 2021.

error: Content is protected !!