(TSVN) – Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đã có những chia sẻ về “cú thoát hiểm ngoạn mục” của ngành thủy sản Việt Nam năm 2021 và tinh thần sẵn sàng thích ứng trong năm 2022.
Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đã có những chia sẻ về “cú thoát hiểm ngoạn mục” của ngành thủy sản Việt Nam năm 2021 và tinh thần sẵn sàng thích ứng trong năm 2022.
Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Dịch COVID-19 kéo dài từ cuối năm 2019 sang đến 2021 khiến hoạt động xuất khẩu gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời.
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự cố gắng của các cơ quan, ban, ngành liên quan, đặc biệt là sự nỗ lực của nông – ngư dân, người tham gia sản xuất, sản lượng thủy sản đã đáp ứng được tốc độ tăng trưởng, đảm bảo nguồn hàng cung cấp ra thị trường trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu. Nhìn chung, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bà con ngư dân, kế hoạch tăng trưởng ngành thủy sản vẫn đảm bảo được tốc độ và mục tiêu đã đề ra.
Ước năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 1,6% so với năm 2020, tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1%; trong đó sản lượng khai thác đạt 3,9 triệu tấn, tăng 0,9%; sản lượng nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1,1%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2020. Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD.
Năm 2022, ngành thủy sản đặt ra một số mục tiêu chính như: Diện tích nuôi trồng cơ bản giữ ổn định so với năm 2021: Tổng diện tích 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380.000 ha (cá tra 5,7 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 920.000 ha (tôm nước lợ 737.000 ha).
Cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.
Cụ thể, tổng sản lượng ước đạt khoảng 8,7 triệu tấn, trong đó: khai thác khoảng 3,78 triệu tấn, nuôi trồng 4,95 triệu tấn. Các sản phẩm quốc gia: cá tra 1,6 triệu tấn; tôm nước lợ 950.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,9 tỷ USD, bằng 102,3% so với năm 2021.
Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vaccine cho cộng đồng được thực hiện rộng khắp, dịch COVID-19 được kiểm soát cơ bản; Lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA và mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm. Đồng thời, chính trị và kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, sự chỉ đạo quyết liệt, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… sẽ giúp ngành thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn khó khăn, thách thức như: Thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu; sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng ĐBSCL; “thẻ vàng” của EC chưa được tháo gỡ; lao động khai thác thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng; tình hình phức tạp về an ninh trật tự trên biển…
Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Ngành thủy sản xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là: Triển khai có hiệu quả thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn; Tập trung tham mưu lãnh đạo Bộ NN&PTNT các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp tục chỉ đạo địa phương triển khai đăng ký nuôi lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển. Phát triển nuôi thủy sản trên các hồ chứa, vùng xâm nhập mặn mới; hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển nuôi biển, nuôi nhuyễn thể thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra các sản phẩm chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ngao, tôm hùm… Kiểm soát chặt chẽ vật tư, giống thủy sản…
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU.
Quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá và đẩy mạnh công tác chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi và môi trường sang các nghề khác cho ngư dân. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác.
Đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở một số nước.
Hướng dẫn các địa phương tổ chức lại bộ máy quản lý cảng cá; chỉ đạo, hướng dẫn một số nhiệm vụ cho Ban quản lý cảng cá phù hợp, đảm bảo đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Luật Thủy sản và yêu cầu cấp bách theo khuyến nghị của EC.