T6, 29/04/2022 09:15

Tôm hùm: Cần chiến lược bền vững

(TSVN) – Nghề nuôi và xuất khẩu tôm hùm là một trong những nghề triển vọng của ngành thủy sản Việt Nam với phân khúc thị trường riêng biệt. Tuy nhiên, việc chưa làm chủ được đầu ra đã khiến người nuôi nhiều phen điêu đứng và ngành nuôi tôm hùm khó phát triển bền vững.

Nghề nuôi và xuất khẩu tôm hùm là một trong những nghề triển vọng của ngành thủy sản Việt Nam với phân khúc thị trường riêng biệt. Tuy nhiên, việc chưa làm chủ được đầu ra đã khiến người nuôi nhiều phen điêu đứng và ngành nuôi tôm hùm khó phát triển bền vững.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người nuôi tôm hùm ở Phú Yên và Khánh Hòa như ngồi trên đống lửa khi giá tôm liên tục xuống thấp trong khi giá thức ăn ngày một tăng cao.

Khánh Hòa là một trong những vùng trọng điểm nuôi tôm hùm với khoảng 63.421 ô lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh; sản lượng tôm hùm ước đạt trên dưới 1.000 tấn/vụ nuôi. Tuy nhiên, hiện giá tôm hùm bông loại 1 từ 1 kg/con trở lên giá bán chưa đến 1,3 triệu đồng/kg, trong khi trước Tết Nguyên đán 2022, giá tôm hùm bông loại 1 là 2,1 triệu đồng/kg.

Tương tự, tại Phú Yên, anh Nguyễn Văn Vinh (trú tại Sông Cầu) cho biết, trước Tết Nguyên đán, giá tôm hùm xanh được thu mua ở mức 1,1 – 1,2 triệu đồng/kg nhưng hiện tại giá tôm hùm đã giảm gần một nửa, chỉ còn khoảng 700.000 đồng/kg nhưng trong cả tháng 3, các tàu thu mua tôm hùm của thương lái cũng không đến.

Giá tôm hùm xuống nhanh là do sau dịp Tết Nguyên đán, tiêu thụ nội địa giảm, trong khi đó xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn do nước này đóng cửa biên giới nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Điều này dẫn đến thương lái thu mua giá thấp hơn đầu năm từ 400.000 – 600.000 đồng/kg, nhiều người dân đã không xuất bán tôm khiến lượng tôm nuôi chưa thu hoạch tại các vịnh, đảo tồn dư lớn, trong khi mùa hè nóng bức dễ sinh dịch bệnh lại đang đến gần.

Ngoài vấn đề nhu cầu tiêu thụ, người nuôi tôm hùm cũng lao đao vì những biến động môi trường tự nhiên, dẫn đến nhiều thiệt hại.

Đợt thiên tai bất thường vào ngày 31/3 vừa qua tại Phú Yên đã gây hư hỏng hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm của ngư dân huyện Tuy An, khiến hàng trăm hộ dân mất trắng. Đợt thiên tai này đã làm chìm và hư hỏng hơn 2.400 lồng nuôi với 790.000 con tôm hùm huyện Tuy An, tổng thiệt hại khoảng 140 tỷ đồng, trong đó, xã An Hòa Hải bị thiệt hại nặng nhất với 2.000 lồng. Người dân tại đây cho biết đây là trận thiên tai bất thường nhất trong 20 năm trở lại đây. Ông Huỳnh Ngọc Hân, Bí thư Đảng ủy xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, cho biết: Hầu hết lồng nuôi tôm hùm của người dân hiện nay hư hỏng và khó sử dụng lại được. Hiện, sóng biển còn lớn nên việc thống kê thiệt hại đang gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, ngày 28/3, Tổng cục Thủy sản cũng vừa ban hành công văn khẩn gửi các tỉnh, thành phố ven biển cảnh báo về vấn đề ô nhiễm môi trường vùng biển nuôi tôm hùm.

Về môi trường, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển Nam Trung bộ hướng dẫn người nuôi thực hiện việc đăng ký nuôi lồng bè, tổ chức rà soát, bố trí vị trí nuôi lồng bè đảm bảo mật độ lồng nuôi phù hợp, đúng quy hoạch của địa phương; chuyển đổi từ mô hình nuôi lồng sắt, gỗ truyền thống sang sử dụng vật liệu HDPE có sức chống chịu tốt với biến động môi trường và an toàn với tôm hùm nuôi.

Về tiêu thụ, nhu cầu tôm hùm trong nước chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng, các vùng nuôi đang mong đợi vào việc nối lại xuất khẩu mặt hàng này, chủ yếu là vào thị trường Trung Quốc. Nhưng đa số kim ngạch xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc là từ đường tiểu ngạch, nên khi các cửa khẩu bị ách tắc, hàng hòa ùn ứ thì việc xuất khẩu sản phẩm tươi sống như tôm hùm gặp quá nhiều khó khăn. Các tỉnh, thành được quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm gồm Quảng Bình, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận cần định hướng phát triển nuôi và xuất khẩu theo hướng bền vững, trong đó tập trung xuất khẩu chính ngạch.

Hiện nay, đã có doanh nghiệp trong nước “mở đường” đưa tôm hùm xuất khẩu chính ngạch, đó chính là Công ty TNHH thủy sản và thương mại Thành Nhơn tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, cuối năm 2021, doanh nghiệp này đã giành được hợp đồng xuất khẩu 400 tấn tôm hùm xanh sống trị giá xấp xỉ 20 triệu USD sang Hồng Kông và Thượng Hải, Trung Quốc và mới đây lại trúng thêm được đơn hàng 100 tấn. Ðại diện doanh nghiệp này cho biết, Công ty đang tích cực hợp tác, liên kết với các hộ nuôi để có đủ nguồn hàng đáp ứng hợp đồng.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Thành Nhơn, cho biết, việc đưa tôm hùm Việt Nam tới thị trường Trung Quốc chỉ là bước đầu trong kế hoạch quảng bá tôm hùm Việt Nam ra thị trường thế giới. Kế hoạch của Công ty là tiếp cận và giới thiệu đặc sản tôm hùm Việt Nam tới các thị trường khó tính và yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ và EU trong tương lai để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nuôi tôm hùm.

Nếu Việt Nam có thêm hơn một Thành Nhơn nữa thì việc nuôi tôm hùm của sẽ phát triển như kỳ vọng, mang về giá trị vượt qua mục tiêu mà đề án của Bộ NN&PTNT đặt ra. Và khi đó, người nuôi cũng sẽ không phải thấp thỏm lo sợ mỗi khi thị trường Trung Quốc “cựa” mình.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!