T6, 09/12/2022 05:15

Việt Nam và 40 năm UNCLOS

(TSVN) – Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) được thông qua ngày 30/04/1982, chính thức mở ký vào ngày 10/12/1982 tại quốc đảo Jamaica và có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Đây là một trong những văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất về biển (đại dương) và là một “bước ngoặt” lịch sử trong đời sống pháp luật đại dương quốc tế.

Sau 40 năm thực thi, UNCLOS đã thực sự thay “hỗn loạn và xung đột” bằng “hòa bình và hợp tác” giữa các quốc gia trong cộng đồng đại dương thế giới. UNCLOS quy định một cách toàn diện để điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, có ràng buộc hoặc không ràng buộc pháp lý, nhưng đều hướng tới bảo đảm và cân bằng các quyền và lợi ích của các quốc gia có biển (kể cả quốc đảo), thậm chí cả không có biển (quốc gia đất liền). Đặc biệt là các cơ chế giải quyết thực chất các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật và hướng tới sự thịnh vượng chung. Chính vì thế, UNCLOS còn được ví như một “Hiến pháp của đại dương”. Đến nay đã có 168 quốc gia thành viên của UNCLOS, trong đó có 164 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. 

Nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với quốc gia, dân tộc, Việt Nam đã thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và yêu chuộng hòa bình bằng việc chủ động tham gia sớm quá trình chuẩn bị công ước với các tổ chức của Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã ra Tuyên bố về các vùng biển (1977) khi UNCLOS chưa chính thức ra đời và đến năm 1982 tiếp tục ra Tuyên bố về Đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Việt Nam cũng là một trong 119 quốc gia ký UNCLOS ngay ngày đầu tiên, và Quốc hội nước ta đã tiến hành các thủ tục phê chuẩn Công ước từ tháng 6/1994 trước khi UNCLOS có hiệu lực. Trong 40 năm thực hiện UNCLOS, Việt Nam đã vận dụng và nỗ lực triển khai các quy định, cơ chế và biện pháp định hướng giải quyết các vấn đề một cách thực chất, thiện chí và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản được đặt ra trong Công ước, có tính đến lợi ích quốc gia, khu vực, quốc tế và lợi ích của các quốc gia khác có liên quan. Từ thực tế pháp luật thực thi Công ước trong hoàn cảnh của Việt Nam, bối cảnh ở Biển Đông và quốc tế, Việt Nam đã từng bước “nội luật hóa” các quy định của UNCLOS vào hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia. Theo đó, năm 2003, Quốc hội nước ta thông qua Luật Biên giới quốc gia, tiếp tục xác nhận địa vị pháp lý của 12 huyện đảo, trong đó có hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Ngày 21/06/2012, Quốc hội nước ta thông qua Luật biển Việt Nam, là một đạo luật cơ bản, tổng thể, bao trùm, và đã quy định đầy đủ về chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, bao gồm chủ quyền của nước ta với hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền và lợi ích biển khác phù hợp với quy định của UNCLOS. Luật biển Việt Nam cũng đưa ra ba nguyên tắc cơ bản trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, để thống nhất quản lý nhà nước về biển, đảo và để phát triển bền vững kinh tế biển, trước hết đối với 6 ngành/lĩnh vực kinh tế biển then chốt, trong đó có ngành thủy sản được ghi trong luật này. Với vị trí và vai trò quan trọng như vậy, Luật biển Việt Nam 2012 được ví như một “UNCLOS con”. Căn cứ vào đó, các luật và chính sách dưới luật về biển mang tính chuyên ngành tiếp tục được cụ thể hóa và thông qua, như: Bộ Luật hàng hải (2015), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Thủy sản (2017), Luật Quy hoạch (2017), Luật Bảo vệ môi trường (2000), và các Nghị định có liên quan. Lưu ý rằng, UNCLOS là văn bản chính thống đầu tiên quy định về quản lý biển theo không gian, về thềm lục địa pháp lý, về ranh giới 200 hải lý đối với các quốc gia ven biển như Việt Nam. Vận dụng, nước ta đã đưa vào Luật Quy hoạch 2017 công cụ quản lý biển theo không gian là quy hoạch không gian biển ở cấp quốc gia,…

Phù hợp quy định của UNCLOS, Việt Nam đã và đang triển khai có hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế biển, thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên biển, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (2007), và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (2018). Nhờ đó, các ngành kinh tế biển truyền thống (dầu khí, thủy sản, hàng hải, du lịch,…) đã ra xa hơn, xuống sâu hơn, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân và tăng thị phần xuất khẩu của đất nước,… Một số ngành/lĩnh vực kinh tế biển mới từng bước được hình thành, như: năng lượng biển tái tạo, trong đó có năng lượng gió biển, năng lượng mặt trời. Khoa học và công nghệ biển cũng đạt được các thành tựu quan trọng, cung cấp các căn cứ để xác định cụ thể ranh giới các vùng biển theo UNCLOS, góp phần hiện diện dân sự trên biển quốc gia, tham gia vào cách tiếp cận “Ngoại giao khoa học đại dương”. Hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế về biển cũng được chú trọng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như: tham gia các thiết chế khu vực Biển Đông (tuần tra chung, phân định ranh giới biển), ASEAN (DOC), khu vực biển Đông Á (IOC WESTPAC, PEMSEA, COBSEA,…) và quốc tế (Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương ISA; Ủy ban Thủy đạc quốc tế IHO). Thông qua đó, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được tăng cường, tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế đối với công cuộc bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!