Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu cá tra mang về gần 757 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ; xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 72% với giá trị gần 935 triệu USD, tăng 21%; tôm sú chiếm 12% đạt 155 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng đó, xuất khẩu cua, ghẹ tăng tới 84%, cá ngừ tăng 22%; xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13% so với cùng kỳ. Ngược lại, mặt hàng mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu giảm lần lượt 1% và 3%.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng thực tế với các sản phẩm thủy sản vẫn chưa thực sự rõ nét. Với con tôm, giá trung bình xuất khẩu sang các thị trường ở mức thấp so với năm 2022 và 2023.

Nhận định của các chuyên gia cho thấy, nguyên nhân xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm chưa có sự bứt phá mạnh là do các thị trường bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tồn kho, nhà nhập khẩu vẫn khá thận trọng, trong đó bao gồm cả ở những thị trường top đầu, chưa kể, tình hình cạnh tranh thị phần giữa các quốc gia vẫn rất căng thẳng.

Thêm nữa, việc Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) nộp đơn đề nghị áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đã khiến cho xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ bị ảnh hưởng đáng kể. Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển tăng cũng là một chướng ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong thời gian qua và có khả năng kéo dài cả trong năm nay. Hay như tình trạng thiếu container rỗng dự phòng đã dẫn đến chi phí này bị đẩy lên cao…

Tại một hội nghị mới đây của VASEP, ông Trương Đình Hòe chia sẻ, 6 tháng đầu năm, các mặt hàng và thị trường xuất khẩu đều tăng nhẹ cho thấy có sự phục hồi so với năm 2023. Dù chưa bằng cùng kỳ năm 2022, nhưng đây được đánh giá là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành.

Trong nhóm 5 thị trường chính, trừ Mỹ có sự phục hồi khá còn các thị trường như Trung Quốc, Nhật, EU và Hàn Quốc chỉ tương đương hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Theo VASEP, nguyên nhân được cho là do xuất khẩu thủy sản của nước ta bị tác động bởi lạm phát kinh tế toàn cầu, chi phí vận chuyển tăng mạnh trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm và sự biến động tỷ giá đồng nội tệ so với đô la Mỹ.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đạt 605 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó 3 mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn là tôm, cá ngừ, cá tra. Tiếp đó là thị trường Trung Quốc với 580 triệu USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản đạt 582 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ; tiếp đến là EU với gần 380 triệu USD, tăng gần 1%. Còn tại thị trường Hàn Quốc, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt gần 300 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường khá bất định. Điển hình là tại thị trường Trung Quốc. Hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra có sự đảo chiều rõ nét. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm sâu 44%, tuy nhiên, xuất khẩu tôm tăng 40%. Xuất khẩu các sản phẩm cá biển sang thị trường này giảm gần 40%, thì ngược lại mặt hàng cua lại bứt phá gấp 7 lần nhờ phân khúc cua sống tăng mạnh.

Còn tại thị trường Mỹ, chưa kể việc tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với sản phẩm từ các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia thì việc vụ kiện chống bán phá giá cũng đang khiến cho xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp Việt Nam thêm một tầng trở ngại. Trong khi đó, cước phí vận chuyển tăng cao bất thường đang ép cạn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tại thị trường EU, vấn đề tồn tại của “thẻ vàng” IUU đối với lĩnh vực khai thác hải sản của Việt Nam khiến sản phẩm thủy sản nước ra khi vào thị trường này bị ảnh hưởng rất nhiều. Các doanh nghiệp đang trông đợi kết quả đợt thanh tra lần thứ 5 sắp tới của Ủy ban châu Âu để phá bỏ trở ngại kéo dài nhiều năm này. Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, hiện nay, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu sản phẩm cá thịt trắng trên thế giới ngày càng khốc liệt cũng khiến cho sản phẩm cá tra của Việt Nam gặp thêm áp lực rất lớn. 

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản 6 tháng năm 2024 dự kiến đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, có nhiều hy vọng khi bước sang quý III, các vấn đề tồn kho và khó khăn về vận tải có thể sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá tăng trở lại, nhất là thời điểm cuối năm. Ngành thủy sản vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 10 tỷ USD.

Theo Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc, để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp thủy sản cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với bối cảnh thị trường. Trong đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Cần xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, cập nhật thông tin và đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn được dự báo, tuy nhiên, xuất khẩu nửa cuối năm cũng nhìn thấy những cơ hội khá rộng mở. Theo đại diện doanh nghiệp, căng thẳng trên Biển Đỏ đã và đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải hàng hóa khi cước vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng ít nhiều tới xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU… Thế nhưng, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc sẽ có thể phục hồi, Trung Quốc bù đắp nguồn cung từ Việt Nam và các nước châu Á khác khi tôm Ecuador cũng gặp những vấn đề tương tự.

Còn tại thị trường Mỹ, tình hình xuất khẩu vẫn tương đối khả quan, nhất là mặt hàng cá tra khi Mỹ và EU tiếp tục siết chặt nhập khẩu thủy hải sản từ Nga. Và cá tra của Việt Nam được hưởng lợi từ kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và rà soát bán phá giá khả quan từ phía Mỹ khi mức thuế sơ bộ mới nhất giảm đáng kể.

Thêm nữa, nếu Mỹ xem xét hồ sơ và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, các doanh nghiệp không bị các mối đe dọa tiềm ẩn như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp phòng vệ thương mại khác, khả năng xuất khẩu thủy sản sẽ càng nhiều cơ hội.

Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản của nước ta cũng đang rất triển vọng trong khối CPTPP. Đặc biệt, ngày 25/6 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Theo các chuyên gia, trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận theo hướng Vương Quốc Anh sẽ mở thêm việc tiếp cận thị trường cho Việt Nam ngoài các Hiệp định thương mại tự do song phương đã có, đặc biệt ngành thủy sản sẽ có những thuận lợi rất lớn khi cam kết chính thức có hiệu lực. 

Bên cạnh đó, Vương quốc Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Việc này mang lại sự thuận lợi cho Việt Nam trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Đồng thời, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn so với hiện nay. 

Các chuyên gia nhận định, thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức, rào cản. Tuy nhiên, cơ hội cho sản phẩm thủy sản của nước ta tăng thêm thị phần vẫn rất rộng. Cùng với việc cải thiện tăng trưởng ở các thị trường chính, các thị trường mới, nhỏ lẻ cũng rất được chú trọng khi thực tế giá trị xuất khẩu thủy sản thu về từ khu vực này đã bù đắp khá nhiều tổng kim ngạch chung. Đây cũng là hướng đi rất khả quan để thủy sản Việt Nam tăng sức ảnh hưởng trên thị trường thủy sản toàn cầu.

error: Content is protected !!