Cũng như nhiều loại hải sản khác, mặt hàng mực khô của ngư dân Quảng Nam năm nay bị ép giá thê thảm, giá trị giảm hơn một nửa so với mọi năm.
Con tàu mang số hiệu QNa – 91719 của ông Huỳnh Văn Kỳ (Tam Giang, Núi Thành) chở 40 bạn câu, người lao động xuất hành từ mùng 9 Tết Nguyên đán, sau gần 3 tháng đánh bắt, tàu đã cập bờ với gần 30 tấn mực khô. Đây là sản lượng rất lớn cho một chuyến khai thác mực khơi. Theo ông Kỳ, sản lượng mực lớn là do thời gian đánh bắt dài hơn mọi lần. Thông thường, mỗi chuyến biển chỉ kéo dài khoảng 2 tháng. Trong thời gian khai thác, do thời tiết “trái nết”, phương tiện phải vào đảo trú bão nhiều lần. “Vì chi phí cho chuyến biển lên đến hàng trăm triệu đồng, bạn câu muốn ở lại lâu để kiếm thêm chút đỉnh. Nhưng cái chính là chúng tôi chờ thông tin giá mực lên. Ở ngoài biển thức trắng đêm nghe giá mực chỉ 60 nghìn đồng/kg, ngư dân buồn lắm” – ông Kỳ thổ lộ. Còn ngư dân Bùi Văn Sanh (thôn Phú Đông, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ) cho biết, chuyến biển đầu năm câu được hơn 7 tạ mực. Với giá hiện nay, trừ phí tổn ra anh kiếm gần 20 triệu đồng, nếu giá mực cao như năm trước, thu nhập tăng gấp đôi.
Những ngày giữa tháng 5, tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang), nhiều tàu đã cập bến nhưng không khí mua bán mực khô không còn rôm rả như trước. Nhiều tàu có công suất lớn gắng gượng bám biển dài ngày chờ cơ hội, nhưng các loại tàu nhỏ thì chấp nhận thiệt thòi. Đơn giản là vì phương tiện nhỏ, phí tổn, nhiên liệu đem theo ít nên chỉ thực hiện đánh bắt trong thời gian nhất định. Mặt khác, khâu bảo quản, đông lạnh hải sản cũng bị hạn chế nên dù giá mực thấp, ngư dân cũng đành phải bán gấp.
Theo UBND xã Tam Giang, địa phương có hơn 50 phương tiện đánh bắt xa bờ với tổng công suất trên 34.800CV. Trước đây, vào dịp này thương lái từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi nườm nượp đổ về mua mực khô với giá cao, nhưng hiện tại các cơ sở thu mua đổ về cảng cá An Hòa thưa thớt dần. Chưa có năm nào giá mực “xuống đáy” như năm nay. Qua tìm hiểu, được biết năm 2011, khi giá mực lên đến 120 nghìn đồng/kg, có thời điểm hơn 140 nghìn đồng/kg ngư dân vô cùng phấn khởi, góp phần tạo điều kiện để ngư dân đầu tư, phát triển phương tiện vươn khơi. Tuy nhiên gần đây giá mực liên tiếp sụt giảm. Lợi dụng tình trạng ngư dân thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ hải sản, phải bán gấp mực khơi cho chuyến đi biển kế tiếp nên thương lái, đầu nậu đã ép giá. Theo ngư dân, tại Quảng Nam, hiện chưa có một đơn vị, doanh nghiệp nào tổ chức đứng ra mua mực khô trực tiếp mà phải thông qua các “đầu nậu”. Mực khô sau khi được các thương lái tận mua được xuất sang thị trường Trung Quốc. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho hay, việc ngư dân bị ép giá là có thật nên về lâu dài ngành sẽ nghiên cứu kết nối, liên hệ và thông tin thêm về thị trường, tránh để ngư dân bị ép giá.