T2, 06/07/2020 02:07

Con tôm số 102

Xuất bản tháng 4 – 2020.

Thưa quý vị bạn đọc!

Cả thế giới đang hứng chịu sự càn quét của cơn bão COVID-19. Sự nguy hiểm của dịch bệnh này đã khiến cho nhiều quốc gia buộc phải phong tỏa đất nước, chấp nhận sự giảm sút của nền kinh tế nhằm bảo vệ tính mạng của người dân. Chính sách “bế quan tỏa cảng” bất đắc dĩ này đã khiến cho tình hình giao thương bị hạn chế rất nhiều. Nền kinh tế của các quốc gia đã phải chịu sự ảnh hưởng vô cùng lớn, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Hiện nay, đánh giá sơ bộ đã thấy nhiều ngành hàng của nước ta bị tác động thấy rõ, những con số được thống kê trong quý I đã minh chứng cho điều này. Ngành thủy sản cũng phải chấp nhận sự sụt giảm. Riêng con tôm, sự tác động đến từ đa chiều, xuất khẩu trì trệ, sản xuất trong nước cũng không khởi sắc.

Thống kê cho thấy, hầu hết các thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU đều đang chật vật đối phó với dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu đều giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tôm Việt Nam vẫn rất tự tin, vì đây chưa phải mùa vụ mua bán chính và họ đã có phương án dự phòng, nhất là việc mở rộng tại những thị trường tiềm năng khác.

Tuy nhiên, đó là chuyện của vài tháng tới, còn trước mắt, tình hình ngưng trệ của các đơn hàng cũng đã khiến cho việc thu mua tôm của doanh nghiệp ít nhiều ảnh hưởng. Đáng lo ngại là tâm lý của người nuôi không vững đã khiến cho tình trạng thu hoạch vội nhằm bán tháo xảy ra, đã tất yếu dẫn đến việc sản lượng tăng – giá tôm giảm. Theo quan sát tại các vùng nuôi tôm trọng điểm, giá tôm thẻ đã giảm trung bình 10.000 – 20.000 đồng/kg, tại Cà Mau, giá tôm sú giảm tới 40.000 – 50.000 đồng/kg và không dễ bán.

Đại diện một số doanh nghiệp đánh giá, với mức giá này, người nuôi tôm vẫn đảm bảo, thế nhưng, họ cũng không dám chắc cho các tháng tới rằng khi COVID-19 được khống chế, tình hình liệu có khởi sắc!

Cùng với đó, điều khiến ngành quan tâm hơn hiện nay là tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang rất nặng tại các tỉnh ĐBSCL. Tháng 4 được đánh giá là cao điểm của hạn, mặn, tại một số địa điểm, mặn đã tác động xấu đến thủy sản nuôi, diện tích tôm nuôi bị ảnh hưởng đang có xu hướng tăng dần. Toàn ngành cùng các địa phương đang nỗ lực để khắc phục và cải thiện tình hình.

Đây là những nội dung quan trọng được đăng tải trên Đặc san Con Tôm phát hành tháng 4/2020. Với sự tham gia của các nhà báo kỳ cựu, các chuyên gia ngành thủy sản, đại diện nhiều doanh nghiệp, nội dung Con Tôm số này sẽ tập trung phân tích sâu hơn về đại cục của ngành, nhằm tìm con đường sáng nhất để tôm Việt Nam “rộng đường bơi’. Mời các bạn đón đọc.

Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau: 

    Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.

    Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:

    Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Con Tôm

    Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

    Điện thoại: (024) 377 11 756

    Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

    Trân trọng!     

    error: Content is protected !!