T3, 16/05/2023 02:35

Thủy sản Việt Nam số 10 – 2023 (401)

(TSVN) – Xuất bản ngày 16/05/2023.

Thưa quý vị bạn đọc!

Sau 3 tháng đầu năm “đứng” ở mức giá cao, từ đầu tháng 4 đến nay, giá tôm liên tục giảm mạnh và hiện đã gần như “bắt đáy”, nhất là tôm cỡ 40 – 100 con/kg. Bảng giá tôm trên thị trường các tỉnh khu vực ĐBSCL từ đầu tháng 5 đến nay cho thấy, chỉ có đi xuống và đi ngang ở hầu hết các kích cỡ. Cụ thể, TTCT loại 40 con/kg thời điểm cuối tháng 2 giá lên đến 170.000 đồng/kg thì nay bình quân chỉ còn 113.000 – 115.000 đồng/kg. Loại 50 con/kg từ mức 150.000 đồng/kg hiện còn 103.000 – 105.000 đồng/kg và loại 100 con/kg từ mức 100.000 – 105.000 đồng/kg hiện chỉ còn 83.000 – 85.000 đồng/kg. Riêng tôm kích cỡ lớn (20 – 30 con/kg) cũng có mức giảm bình quân 20.000 – 30.000 đồng/kg so với mức giá của quý I.

Với mức giá trên, theo người nuôi tôm, nếu tỷ lệ nuôi thành công thấp hoặc không nuôi được về cỡ lớn thì lợi nhuận sẽ rất thấp, thậm chí chỉ hòa vốn hay thua lỗ. Không chỉ lo giá tôm đang giảm mạnh hay thời tiết thất thường, vật tư đầu vào tăng cao, mà người nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL luôn canh cánh bên mình nỗi lo dịch bệnh gây thiệt hại, nhất là bệnh phân trắng và chậm lớn do EHP.

Còn về hoạt động xuất khẩu ngành tôm nói riêng, lĩnh vực thủy sản nói chung cũng đang gặp vô vàn thách thức, khi kim ngạch ở mức tăng trưởng âm 31%. Việc sụt giảm đơn hàng, nguồn cung khan hiếm, loay hoay trong tiếp cận vốn vay… Theo số liệu của VASEP, xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt 810 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỷ USD; thấp hơn 31% so cùng kỳ năm 2022.

Có thể thấy, trong những tháng đầu năm, người nuôi và doanh nghiệp đang phải gồng mình ứng phó với nhiều thách thức bủa vây dù đã được dự báo từ trước. Hơn khi nào hết, họ cần sự “tiếp sức” của những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và các Bộ, ngành… Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ cần kích hoạt toàn bộ bộ máy, mở cửa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hơn nữa. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tận dụng tối đa các hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chủ lực sang thị trường lớn, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, chuẩn bị cho hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam – Trung Quốc trong quý II và quý III/2023, tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Anh… Cùng đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải điều chỉnh hợp lý, đa dạng sản phẩm xuất khẩu, căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng thị trường để tìm hướng đi riêng cho sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do, khai thác một số thị trường mới để bù đắp sự sụt giảm. Mới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023.

Nội dung này đã được phản ánh sâu sắc qua loạt bài viết với tiêu đề: “Dồn sức gỡ khó cho doanh nghiệp”; “Xuất khẩu thủy sản: Khai thác bền vững các thị trường”; “Chặn đà giảm giá tôm” trên Tạp chí phát hành kỳ 16/5 này.

Ngoài ra, trên số báo kỳ này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản cũng được cập nhật cùng đó là một số công nghệ trong nuôi trồng một số đối tượng nuôi tiềm năng, dinh dưỡng dành cho thủy sản hay khuyến cáo các biện pháp chăm sóc trong giai đoạn nắng nóng… Mời quý độc giả đón đọc!

Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau: 

    Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.

    Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:

    Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

    Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

    Điện thoại: (024) 377 11 756

    Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

    Trân trọng!

    Ban Biên Tập

    error: Content is protected !!