Gần 2 năm bị cảnh báo “thẻ vàng”, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến các địa phương, đến nay, ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận nhiều chuyển biến rất tích cực.
Tình trạng tàu cá khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những bất cập của ngành thủy sản
Hoàn thiện hệ thống pháp lý
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngay sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành hai văn bản quan trọng, một là Quyết định 596/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU và Nghị định 42/2019/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng ban hành quy định về giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; mục đích quản lý khai thác thủy sản theo vùng, hạn chế suy giảm nguồn lợi, đảm bảo khai thác hợp pháp.
Cùng với đó, Chính phủ, ngành chức năng đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý quan trọng để xây dựng một nghề cá có trách nhiệm và minh bạch. Luật Thủy sản 2017 nhanh chóng được thông qua sau khi đã có những điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế; Chính phủ ban hành 2 nghị định, 8 thông tư, Bộ NN&PTNT cũng đã có hàng loạt văn bản yêu cầu các địa phương tích cực vào cuộc. Tất cả các văn bản này đều có sự tham khảo ý kiến của Liên minh châu Âu (EC).
Không lâu, Bộ NN&PTNT, các địa phương đã triển khai nhiều hội nghị, hội thảo để tuyên truyền, phổ biến, đưa luật vào cuộc sống. Bộ cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra đến 28 tỉnh, thành ven biển, khảo sát trực tiếp tại các cảng cá, tàu thuyền của ngư dân về tình hình khắc phục những sai sót trong khai thác thủy sản cũng như việc tuân thủ các quy định được đưa ra tại Luật Thủy sản. Việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành; với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Giảm thiểu vi phạm
Tình trạng tàu cá khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những bất cập của ngành thủy sản, vấn đề này cũng được các bộ ngành cũng như nhiều địa phương coi trọng.
Theo quy định tại Nghị định 42 được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 16/5 quy định vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản với những mức hình phạt nghiêm ngặt hơn. Cụ thể như: phạt tiền từ 300 – 500 triệu đồng đối với chủ tàu cá không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 – 24 m; phạt tiền từ 500 – 700 triệu đồng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, hoặc không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản… Phạt tiền từ 800 triệu – 1 tỷ đồng đối với chủ tàu sử dụng tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên, không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn… Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, Nghị định được ban hành sẽ là công cụ hữu hiệu, khắc phục các khoảng trống pháp lý. Việc quy định rõ về hình thức và mức xử phạt, đồng thời phân rõ thẩm quyền xử phạt đến tận Chủ tịch xã sẽ tạo tính đồng bộ trong việc triển khai Luật Thủy sản, cũng như xử phạt kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần giảm thiểu khai thác bất hợp pháp.
Tích cực từ địa phương
Là địa phương có thế mạnh khai thác thủy sản, với tổng số tàu thuyền hơn 1.400 chiếc, trong đó 930 chiếu từ 90 CV trở lên; TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống trính trị từ thành phố đến các phường, xã trong việc ngăn chặn, giảm thiểu, đi đến loại bỏ khai thác IUU trên địa bàn. Một trong những hoạt động quan trọng đó chính là việc thành lập và đưa vào hoạt động Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá; văn phòng đã thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, theo dõi nhật ký đánh bắt của ngư dân. Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền xuất, cập bến giữa Ban Quản lý Cảng cá Phan Thiết với Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá được thực hiện chặt chẽ, nhờ đó tăng cường được công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Bên cạnh đó, TP Phan Thiết đã phối hợp xử lý nghiêm theo quy định của đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đưa 2 trường hợp ra khỏi danh sách được hỗ trợ các chính sách khuyến khích khai thác tại các vùng biển xa.
Tại Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh cũng sẽ quyết liệt đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt ngay tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Cùng đó, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan và các huyện, thành phố ven biển, hải đảo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU.
Tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với người đứng đầu chính quyền các cấp khi để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền các chủ tàu, thuyền trưởng bốc dỡ thủy sản, vật tư tại các cảng cá chỉ định, ghi nộp sổ nhật ký khai thác theo quy định.
>> Để chuyển từ nghề cá nhân dân, đánh bắt manh mún sang nghề cá theo chuỗi khép kín, theo tiêu chuẩn không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Vì vậy, phải đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất. |
An An