(TSVN) – Từ đầu năm đến nay, với việc liên tục được điều chỉnh thì giá bán xăng dầu trong nước đã ở ngưỡng cao nhất từ trước đến nay. Giá xăng dầu tăng vọt đã khiến nhiều ngành nghề kinh tế bị ảnh hưởng, trong đó, lĩnh vực khai thác thủy sản bị tác động khá nghiêm trọng, hàng chục nghìn tàu cá nằm bờ, sinh kế của ngư dân đang rất bấp bênh.
Giá xăng dầu tăng cao liên tục đã khiến cho áp lực của ngư dân càng thêm nặng nề. Chi phí đầu vào đội lên rất lớn nên dù đang vụ khai thác chính, ngư dân cũng buộc phải cho tàu nằm bờ, những chủ tàu cố gắng ra khơi để giữ bạn thì đành chấp nhận bù lỗ.
Ông Nguyễn Hoàng Anh (ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau) cho biết: Gia đình ông có 3 ghe làm nghề câu mực xa bờ. Khoảng một năm trước, chi phí mỗi chuyến biển tầm 50 triệu đồng, còn bây giờ lên tới 80 triệu đồng. Chênh lệnh này chủ yếu đến từ giá dầu đã tăng lên mức hơn 30.000 đồng/lít, cao gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Với giá dầu hiện tại, mỗi chuyến biển gia đình ông sẽ không có lời, thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên, nếu ghe nằm bờ, bạn bè sẽ bỏ đi hết nên gia đình ông buộc phải duy trì nghề.
Chỉ trong vòng một năm, giá dầu tăng gần gấp đôi. Đặc biệt là vài tháng qua giá dầu tăng mạnh và liên tục ở mức cao. Hệ lụy kéo theo là giá các nhu yếu phẩm khác cũng tăng khiến chi phí mỗi chuyến biển đội lên rất lớn, trong khi đó sản lượng khai thác không tăng và giá bán không cao nên hiện có rất nhiều tàu của tỉnh Cà Mau phải nằm bờ.
Còn tại Nghệ An, do không trụ nổi trước những khó khăn về giá dầu tăng cao, thiếu lao động và ngư trường ngày càng khó, nên không ít ngư dân ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai ngậm ngùi bán tháo tàu cá.
Hiện cả nước đã có 45 – 50% tàu cá ngừng hoạt động. Ảnh: ST
Ngư dân Lê Bá Thật ở thôn Tân Hải, xã Quỳnh Lập, cho biết, giá dầu tăng quá cao, lao động nghề biển khan hiếm, trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng kém. Do vậy, từ đầu năm đến nay, chuyến biển nào đối với tàu cá của ông cũng thua lỗ. Không thể trụ được với nghề, ông phải bán đi tàu cá với giá 800 triệu đồng, khi mới mua lại cách đây 3 năm với giá hơn 2 tỷ đồng.
Đã có không ít ngư dân trong xã Quỳnh Lập ngậm ngùi bán tàu cá với giá rẻ. Bởi nếu tiếp tục giữ tàu thì càng thua lỗ, vì không thuê được lao động, chuyến biển không đủ bù phí tổn, trong khi đó nếu neo tàu nằm bờ dài ngày cũng hư hỏng, xuống cấp, khi đó bán không ai mua.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Lập Lê Bá Kỷ cho biết, theo danh sách mà ông nắm bắt thì đã có 8 chiếc tàu cá công suất trên 90 CV trên địa bàn xã phải bán đi trong vòng 2 tháng nay. Hiện vẫn còn 2 chiếc trị giá trên 4 tỷ đồng đang neo đậu tại cảng để rao bán nhưng chưa có khách mua.
Bán tàu trong giai đoạn khó khăn là điều vạn bất đắc dĩ, không ngư dân nào muốn, bởi đây là nghề mưu sinh của họ. Để tránh bước vào thảm cảnh đó, nhiều ngư dân tìm cách thích ứng trong giai đoạn khó khăn này.
Ngư dân Nguyễn Văn Hoàng ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã bàn bạc với 5 chủ tàu trong tổ hợp khai thác hải sản để hỗ trợ nhau trên biển. Khi
có sản phẩm, tổ sẽ bố trí 1 tàu chở hải sản về bờ, vừa bán kịp thời, vừa tiết kiệm nhiên liệu cho những tàu còn lại.
Ngoài việc hỗ trợ nhau trên biển, tàu cá khi đánh bắt ở ngoài biển sẽ tùy theo điều kiện địa lý để vào cảng cá của các tỉnh gần đó để xuất bán hải sản, thay vì trở lại cảng cá địa phương, giúp tiết kiệm chi phí. Đồng thời, theo các ngư dân địa phương, nếu tình trạng xăng dầu vẫn tăng cao thì bà con sẽ bán hải sản trực tiếp ngay trên biển cho các tàu dịch vụ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng… để tiếp tục đánh bắt thay vì quay trở lại bến.
Thêm nữa, quy luật chung là nếu chi phí đầu vào tăng thì hiệu quả sản xuất sẽ giảm, thu nhập thấp đi. Do đó, để đảm bảo hiệu quả, ngư dân cần tìm cách để tăng sản lượng khai thác. Trong đó, việc áp dụng các công nghệ như sử dụng đèn led, máy dò cá; phát huy vai trò của các tổ liên kết tàu thuyền; chia sẻ ngư trường; nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc thay đổi cách thức bảo quản… là những giải pháp cần được ngư dân cân nhắc và áp dụng.
Trước tình trạng cực “nóng” của giá xăng dầu trong nước, ngày 4/7, ngay sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, trong đó, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu.
Tại phiên họp bất thường sáng 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao và quyết định ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đề nghị của Chính phủ với tỷ lệ 100% thành viên. Theo đó, mức thuế với xăng (trừ ethanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn là 1.000 đồng/lít; dầu diesel từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn là 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ 1.000 đồng/lít giảm xuống mức sàn 300 đồng/lít. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là ngày 11/7/2022. Tuy nhiên, mức giảm này có lẽ chưa thể giúp ngư dân trở lại với biển sớm được.
Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu trên thế giới và diễn biến giá xăng dầu ở Việt Nam ở từng thời điểm, từ nay đến cuối năm sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước.
Theo Báo cáo tổng hợp thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 27/6/2022, đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40 – 50%, đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiên liệu như: Lưới kéo, nghề rê… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Điều này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Công thương và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng.
Cũng về vấn đề này, mới đây, trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao thì chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế.
Nói như vậy, sẽ vẫn còn cần thời gian để xác định được “đối tượng yếu thế”, trong khi đó ngư dân đã không thể chờ đợi thêm được nữa. Nếu không có giải pháp nhanh chóng và hữu hiệu thì trong hơn 90.000 tàu cá của Việt Nam, ra khơi được sẽ chỉ là thiểu số.
Ngày 7/7, trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, thay vì chỉ hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá đang dừng hoạt động như đề xuất của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đề xuất dùng ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân, giúp họ khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển.
“Việc hỗ trợ này bằng tiền từ ngân sách Nhà nước để bù vào phần giá xăng dầu – loại nhiên liệu mà ngư dân sử dụng, tăng so với đầu năm 2022, giúp họ khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách tới hết năm nay”, Bộ Công Thương đề xuất.
Phan Thảo