(TSVN) – Từ đầu năm 2023 đến nay, giá tôm thương phẩm liên tục giảm mạnh trong khi giá thức ăn cùng các chi phí đầu vào khác phục vụ cho nuôi tôm gia tăng đã khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Giá tôm giảm, không chỉ ảnh hưởng đến người nuôi mà còn làm chậm tiến độ thả tôm trên địa bàn.
Tuy đang là thời điểm thu hoạch chính nhưng không khí tại những vùng nuôi tôm tập trung như Phước Thể, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, Chí Công, huyện Tuy Phong không rầm rộ như mọi năm, bởi giá tôm không như mong đợi. Theo những người nuôi tôm nơi đây, hiện, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái thu mua tại ao với giá 80.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với tháng 2/2023. Trong khi tôm loại 30 con/kg, nếu tôm đập đá có giá dao động từ 125.000 – 130.000 đồng/kg, giảm 50.000 – 60.000 đồng/kg; tôm ôxy từ 130.000 – 140.000 đồng/kg, giảm 55.000 – 75.000 đồng/kg. Với giá tôm như hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ nặng.
Nguyên nhân do giá đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra sụt giảm nghiêm trọng. Hiện nay, giá thức ăn tôm dao động 30.000 – 34.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg so đầu năm 2023. Để tránh thua lỗ, có hộ nuôi không thả nuôi đợt mới, có người chỉ thả cầm chừng từ 30 – 40% diện tích để nghe ngóng thị trường.
Theo đánh giá, thời gian tới, tôm vẫn sẽ khó bán do hoạt động xuất khẩu trên cả nước gặp nhiều trở ngại. Thị trường ảm đạm, giá cả bấp bênh khiến nhiều hộ nuôi tôm ở Tuy Phong có ý định “treo ao”. Thêm vào đó, chi phí nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay khá cao vì giá thức ăn tăng, công nuôi và chi phí thuốc men phòng bệnh rất tốn kém, cộng thêm giá điện sản xuất cũng tăng. Chưa kể, người nuôi tôm phải đối mặt với bệnh vi bào tử trùng (EHP) diễn biến phức tạp. Nuôi càng lâu chi phí càng cao, tỷ lệ hao hụt lớn nên chuyện có lời là rất khó.
Vì vậy, người nuôi tôm tại huyện Tuy Phong và cả tỉnh Bình Thuận, nhất là những hộ nuôi thâm canh công nghệ cao đang thận trọng hơn trong việc thả nuôi đợt mới. Một số hộ giảm mật độ thả nuôi, giảm số lượng ao nuôi nhằm hạn chế rủi ro. Dự báo thị trường xuất khẩu và tiêu thụ tôm trong năm 2023 rất khó khởi sắc vì kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn. Nhiều hộ nuôi e dè đầu tư vào vụ mới. Hầu hết các hộ nuôi dự tính giảm 30 – 40% công suất ao nuôi, chủ yếu nuôi duy trì để giữ công nhân chứ không mong sẽ đạt lợi nhuận trong vụ nuôi mới.
Thu hoạch tôm. Ảnh: ST
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, giá tôm thẻ nguyên liệu thời gian gần đây liên tục sụt giảm. Hiện, tôm thẻ loại 100 con/kg thu mua tại ao chỉ còn 83.000 đồng/kg, giảm 21.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước; tôm loại 30 con/kg có giá dao động từ 116.000 – 132.000 đồng/kg, giảm từ 30.000 đồng/kg.
Tại thị xã Vĩnh Châu, từ đầu năm đến nay, diện tích thả tôm nuôi đạt gần 12.000 ha, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 hơn 2.020 ha; trong đó, tôm thẻ 9.432 ha, hiện thu hoạch 3.392,5 ha, năng suất 5,75 tấn/ha, sản lượng 19.524 tấn; tôm sú 2.540 ha thu hoạch 454 ha, năng suất 3,84 tấn/ ha, sản lượng 1.744 tấn. Trong tổng số 6.000 ha diện tích tôm thẻ và tôm sú thu hoạch, chỉ có 56% mang về lợi nhuận cho hộ nuôi, số còn lại từ hòa vốn đến thua lỗ.
Tại huyện Mỹ Xuyên, người nuôi cho biết, hiện, giá tôm đang ở mức thấp trong khi chi phí thức ăn và vật tư đầu vào tăng, dịch bệnh phát sinh. Trừ chi phí sản xuất người nuôi tôm hầu như thua lỗ, một số hòa vốn. Chi phí sản xuất hiện nay đội lên rất nhiều, không chỉ thức ăn, giá điện, chi phí vận chuyển, mà tất cả các thứ liên quan đến con tôm đều tăng.
Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính đến ngày 30/6 toàn tỉnh đã thả nuôi 32.050,3 ha, đạt 62,8% so với kế hoạch; trong đó, tôm thẻ chân trắng 24.256,5 ha, tôm sú 7.793,8 ha. Hiện, diện tích thả nuôi thu hoạch 7.408 ha, sản lượng 42.567,4 tấn, trung bình giá tôm giảm từ 16.000 – 33.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đang khuyến cáo hộ nuôi tiếp tục tham gia sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời, ngành tiếp tục làm việc với ngân hàng và các đại lý cung cấp vật tư đầu vào để bàn bạc phương án, kế hoạch để người nuôi tôm có thể tiếp cận được nguồn vốn vay trong sản xuất; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp xây dựng mối liên kết bền vững từ đầu vào đến đầu ra để hộ nuôi tôm yên tâm đầu tư sản xuất.
Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng quý II/2023 đã giảm từ 18.000 – 49.000 đồng/kg so với quý I; so với cùng kỳ năm trước giá tôm thẻ cũng giảm từ 11.000 – 36.000 đồng/kg tùy loại. Giá tôm sú cỡ lớn ổn định, tuy nhiên tôm cỡ nhỏ giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg giảm khoảng 35.000 đồng/kg còn khoảng 140.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giảm khoảng 45.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giảm còn 60.000 đồng/kg trong khi trước đây trên 80.000 đồng/kg.
Ngành chức năng Cà Mau nhận định, nguyên nhân giá tôm liên tiếp sụt giảm là do sau tác động của dịch COVID-19 và ảnh hưởng của chiến tranh, các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu lạm phát ở mức cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa giảm. Bên cạnh đó, các nước Ecuador, Ấn Độ sản lượng tôm đạt cao nên nguồn tôm cung ứng cho thị trường lớn, dẫn đến cung vượt cầu.
Hiện tại, giá thành sản phẩm tôm Việt Nam khá cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Để cạnh tranh ký kết hợp đồng xuất khẩu, bên cạnh chất lượng sản phẩm, vấn đề cạnh tranh về giá mang tính quyết định, buộc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong nước phải giảm giá thu mua nguyên liệu đầu vào.
Bình An
(Tổng hợp)