(TSVN) – Theo đánh giá, tổng nhu cầu vận chuyển các mặt hàng gạo, thủy sản và trái cây xuất khẩu từ ĐBSCL khoảng 17 – 18 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, khu vực này thiếu cảng nước sâu nên hàng hóa xuất khẩu phải chuyển về các cảng ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bằng đường bộ. Việc này khiến các doanh nghiệp chịu thêm khoản chi phí vận tải cao hơn từ 10 – 40%.
Còn theo khảo sát của một số chuyên gia với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, thì mỗi năm doanh nghiệp này mất khoảng 60 tỷ đồng để vận chuyển tôm từ hai nhà máy ở Hậu Giang và Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh để xuất đi các nước. Đại diện Tập đoàn cho biết, nếu hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ ĐBSCL, không phải qua Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 30 – 40% chi phí.
Chi phí vận chuyển cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam ra thị trường thế giới cao hơn nhiều nước khác. Chưa kể, việc dồn hàng hóa về một điểm như vậy cũng khiến tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra, làm chậm quá trình vận chuyển. Thời gian kéo dài là một bất lợi lớn đối với hàng nông sản, khiến lợi thế cạnh tranh bị sụt giảm.
Ảnh minh họa
Và lời giải cho bài toán này đã có trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có những phương án rất cụ thể.
Trước tiên, quy hoạch chỉ rõ cần nghiên cứu đầu tư một số dự án như: Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Trần Đề cho tàu trọng tải đến 2.000 DWT; Từng bước cải tạo luồng hàng hải sông Tiền (qua Cửa Tiểu) cho tàu trọng tải đến 5.000 DWT, luồng hàng hải Hòn Chông cho tàu trọng tải đến 15.000 DWT…; Cùng đó, đề xuất ưu tiên cải tạo nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa kết nối giữa Tây Nam bộ về TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu; giữa sông Tiền và sông Hậu. Thêm nữa là định hướng phát triển hệ thống cảng cạn nhằm thu hút hàng hóa cho cảng biển, ưu tiên các vị trí kết nối thuận lợi bằng vận tải thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ…
Nếu giải thành công bài toán này thì khu vực ĐBSCL sẽ có một cảng đầu mối phục vụ xuất khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng ra thị trường thế giới. Điều này sẽ giúp giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh của nông sản, thủy sản của Việt Nam và xa hơn là thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất “Chín Rồng” này.
Bảo Hân