T2, 06/07/2020 12:03

Giải bài toán nguồn lợi cho tương lai

Chưa có đánh giá về bài viết

Một trong những vấn đề mà nhiều nhà khoa học đang quan tâm hiện nay là làm thế nào để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các thế hệ sau, tránh khai thác cạn kiệt.

Nguồn lợi cạn kiệt

Tình hình ĐBSCL trở nên nan giải khi vùng này sử dụng khoảng 2 triệu tấn  phân  bón  hóa  học  và  gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ các ao hồ NTTS và nuôi thủy sản lồng bè, thải ra sông khoảng 456,6 triệu m3/bùn thải và chất thải NTTS. Hơn 100 khu công nghiệp và cụm sản xuất công nghiệp, hơn 100 cơ sở chế biến thủy sản với công suất 3.200 tấn/ngày… thải ra lượng nước thải trên 47 triệu m3/năm.

Tại Cà Mau, năm 2013, Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS địa phương đã thả gần 1,2 triệu con giống (gồm 13 loại) cho vùng nước mặn và ngọt. Năm 2014, Chi cục thả 9 triệu con giống. Song những người làm tôm giống ở đây vẫn phải mua tôm giống nơi khác, do tôm đánh bắt trong tự nhiên ngày càng giảm. 

Giải bài toán nguồn lợi cho tương lai

Thả tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản – Ảnh: Phan Thanh Cường

Người dân tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) trước kia chỉ cần đánh bắt ven bờ đã thừa tôm cá. Giờ đây, đánh bắt ven bờ hầu như không kết quả buộc phải đi xa. Khi nuôi nghêu, nuôi tôm nở thì nghề đánh bắt cá truyền ở đây gần như bị khai tử; rất ít hộ còn tàu thuyền khai thác, nhưng phải đến ngư trường khác và cập bến ở Vũng Tàu.

 Tổng cục Thủy sản cho biết, nguồn thủy sản nước ngọt cũng đang trong tình trạng “báo động đỏ” với việc “12 đầm phá lớn của Việt Nam đều đang cạn kiệt thủy sản”.

 

Làm gì để hài hòa?

Một sự phát triển hài hòa giữa nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên sẽ tạo nên sự bền vững cho một ngành thủy sản. Việc dựa quá nhiều vào thủy sản nuôi trồng đã khiến quy hoạch của ngành thủy sản bị chỉ trích. Chúng ta quá thiên về quy hoạch nuôi trồng phục vụ xuất khẩu và chưa đánh giá hết tác hại của quá trình nuôi trồng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn lợi tự nhiên và đa dạng sinh học của hơn 1,3 triệu ha NTTS tạo ra.

Nhiều người cho rằng, sự suy giảm nguồn lợi gần bờ là do nạn chích điện và dùng thuốc nổ, song thống kê cho thấy những kẻ chích điện bắt thủy sản không nhiều; ngoài ra việc sử dụng chất nổ bị quản lý rất chặt. Mỗi lần chích điện, người ta chỉ bắt được tối đa 3 – 5 con cá. Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng sự suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái gần bờ (như hiện tượng rạn san hô, rừng ngập mặn, tảo biển… bị chết) mới trực tiếp gây suy thoái nguồn lợi thủy sản.

 

Có thể tái tạo?

Câu trả lời là có thể. Quan sát mô hình thành lập nhóm cộng đồng ở vùng ven biển Cù Lao Dung, Trần Đề và Vĩnh Châu do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) thành lập chúng ta thấy người dân vừa khai thác vừa bảo vệ rừng, bảo tồn NLTS tự nhiên.

Kết quả từ Dự án cho thấy, 1 km2 rừng phòng hộ có thể tái tạo được 97 kg các giống loài thủy hải sản tự nhiên và gần 900 kg thủy hải sản sinh sống (Kết quả nghiên cứu của IUCN để đánh giá về giá trị rừng phòng hộ ven biển Việt Nam). Đây là mô hình “vừa quản lý vừa khai thác và bảo vệ NLTS tự nhiên ven bờ”. Những người tham gia Dự án không bị cấm đánh bắt cá, mà được phép đánh bắt theo quy trình phù hợp, giúp họ vừa mưu sinh vừa giữ được nguồn lợi, như mùa nào thì nên đánh bắt loại nào.

Thực chất, nếu quyết liệt quy hoạch việc NTTS với việc bảo vệ NLTS, Việt Nam vẫn có thể bảo vệ và khôi phục dần NLTS quý đất nước, tránh “vết xe đổ” của nhiều nước khác khi quá chú trọng nuôi trồng công nghiệp mà quên bảo vệ đa dạng sinh học tự nhiên.

>> Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản giàu nhất toàn cầu. Chúng ta mới chú trọng được một số ít loài xuất khẩu có giá trị kinh tế. Do vậy, việc bảo vệ NLTS và đa dạng sinh học là hướng đi bền vững cho tương lai.

Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!