Theo Hiệp hội Báo chí thế giới, hơn 2.000 công dân Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ trên các tàu thuyền đánh bắt cá ở Đông Nam Á trong vòng 6 tháng qua.
Bán mình trên biển cả
Tin Lin Tun, 25 tuổi, người Myanmar cho biết bị mất liên lạc với gia đình đã 5 năm. Thay vì được làm công việc liên quan đến xây dựng ở Thái Lan như lời người môi giới hứa hẹn, anh bị bán cho một tàu đánh cá và bị đưa tới Indonesia. Vụ việc bị phanh phui khi hãng tin AP lần theo dấu vết của những sản phẩm cá được tiêu thụ bởi các tập đoàn cung cấp thực phẩm lớn nhất nước Mỹ như Wal-Mart, Sysco, Kroger và các công ty chế biến cá hộp, thức ăn dành cho động vật, đóng tại Mỹ hoặc dành cho nước Mỹ như Fancy Feast, Meow Mix, Iams.
Một cuộc điều tra kéo dài một năm đã đưa các phóng viên điều tra của hãng AP tới hòn đảo Benjina thuộc miền Đông Indonesia, cách Australia khoảng 400 dặm về phía Bắc. Kết quả cuộc khảo sát với 400 ngư dân ở đây cho thấy họ bị bắt lao động trong điều kiện hết sức tồi tệ và dã man. Nhiều người trong số họ bị đánh bằng roi đuôi cá đuối, không cho ăn uống và không được trả lương trong nhiều năm.
Hơn 20% nói rằng họ bị đánh đập thậm tệ, 30% tận mắt chứng kiến cảnh ngư dân khác bị đánh và 12% đã nhìn thấy đồng nghiệp của mình chết khi đang cật lực làm việc. Trong khi đó, theo kết quả của cuộc phỏng vấn với hơn 1.000 “nô lệ đánh cá” ngoài biển khơi do Trường y học nhiệt đới & vệ sinh dịch tễ London tiến hành thì có tới 50% bị trầm cảm, 40% bị sang chấn tâm lý.
Cũng theo AP, bọn buôn người tiến hành hoạt động quy mô, bề ngoài là tuyển dụng lao động từ các nước khu vực Đông Nam Á để “làm thợ trên công trường xây dựng” ở Bangkok nhưng sau đó đem bán họ làm nô lệ trên các tàu cá cắm cờ Thái Lan. Tờ The Guardian chỉ ra rằng, bọn buôn người nhận tiền cả 2 đầu. Một đầu là người tị nạn trả tiền thuê chúng đưa họ vào đất Thái.
Còn đầu kia là chủ các ngư thuyền trả tiền công cho chúng giới thiệu những người nhập cư bất hợp pháp tới Thái Lan làm việc với giá rẻ mạt. Một người chuyên môi giới dịch vụ buôn bán người làm việc trong ngành chế biến tôm ở tỉnh Samut Sakhon – phía Nam thủ đô Bangkok, tiết lộ, khi chủ tàu người Thái có nhu cầu mua người sẽ liên lạc trực tiếp với ông ta, nội dung chủ yếu là báo số lượng cần và sẵn sàng trả giá bao nhiêu. Theo ông này, mỗi người đàn ông khỏe mạnh có giá khoảng 25.000 – 35.000 baht.
Trên những con tàu cắm cờ Thái Lan mà sau đó bị chính quyền Indonesia tịch thu, đã phát hiện những chiếc cũi giam giữ nô lệ trong suốt thời gian di chuyển. Khi đánh bắt cá ngoài biển xa, chủ tàu mở cũi cho những người bị giam ra ngoài lao động để thu thêm lợi nhuận. Nô lệ trên tàu được nuôi ăn, nhưng không hề nhận được tiền công và nhiều năm liền họ không được phép lên bờ.
Cuộc chiến khó khăn
Mặc dù, chính phủ Thái Lan đã nói rằng “Cuộc chiến chống nạn buôn người là một ưu tiên hàng đầu của quốc gia”, nhưng ở quốc gia này đang ngầm tồn tại quy tắc vô luật lệ mà ngành công nghiệp không kiểm soát được. Không ít quan chức và một bộ phận cảnh sát biến chất “ăn” tiền hối lộ của bọn tội phạm – mafia Thái để tiếp tay cho nạn buôn người, những “tàu ma” hoành hành.
Chính giới Thái Lan và Indonesia đã mở cuộc điều tra riêng của mình, phanh phui tình trạng sử dụng lao động nô lệ đại trà trong ngành công nghiệp đánh bắt hải sản. Dưới áp lực của Mỹ và Liên minh châu Âu, Thái Lan đã kiểm tra tái đăng ký toàn bộ các đội tàu cá, trong quá trình đó xác minh được rằng trên biển có rất nhiều “tàu ma” mang cùng một số đăng ký, trong khi theo quy định pháp luật mỗi số hiệu chỉ giao cho một con tàu.
Một ngư dân người Myanmar từng bị bắt giữ trên bến tàu tại cảng Songkhla tiết lộ: “Một ngày nọ, cảnh sát Thái Lan hỏi tôi đã có giấy phép lao động chưa? Nếu không có thì phải đưa 10.000 baht tiền hối lộ mới mong được tự do. Tôi không có tiền và cũng chẳng quen ai nên họ đã đưa tôi đến một khu vực hẻo lánh. Qua môi giới, tôi bị bán để làm việc trên một tàu đánh cá”.
>> Ngày 9/9 vừa qua, Văn phòng đại diện Tòa án Tối cao Liên bang tại thành phố Los Angeles (tiểu bang California, Mỹ) vừa tiếp nhận một lá đơn tập thể, khởi kiện Hãng đa quốc gia Nestle của Thụy Sĩ vì đã sử dụng lao động nô lệ. Theo luật sư Steve Berman đại diện phía nguyên đơn, thì các nhà điều tra độc lập đã phát hiện ra rằng, sản phẩm thức ăn đóng hộp Fancy Feast nổi tiếng của Hãng Nestle dành cho thú nuôi tại nhà, chứa các sản phẩm cá được cung cấp chủ yếu từ ngư trường Thái Lan, với trung bình 13.000 tấn thành phẩm tươi sống mỗi năm trước khi đem chế biến tại các cơ sở của Nestle. Trên thực tế, đa phần các chủ tàu người Thái đã lùng mua những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khốn khó ở các nước láng giềng như Myanmar và Campuchia với giá rẻ mạt, bổ sung vào lực lượng đánh bắt hùng hậu của mình. |