Giải pháp đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm hàng đầu ngành tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 18/5, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về định hướng xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước (Đề án). Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án, tỉnh đã tập trung rà soát lại quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất với nhiều mô hình nuôi tôm đa dạng, trong đó ấn tượng nhất là việc nhân rộng thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. 

Đến nay, toàn tỉnh có 349 cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống, tăng 24 cơ sở so với năm 2019 (công suất từ 32 – 35 tỷ post/năm); có 45 nhà máy chế biến thủy sản, công suất thiết kế 209.700 tấn/năm; có 23 công ty, đơn vị và 650 hộ dân đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh (tăng 8 công ty, 326 hộ so năm 2019); có 4 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, mô hình này đã nâng năng suất tôm từ 10 – 15 lần so mô hình nuôi truyền thống, góp phần đưa sản lượng và chất lượng tôm của tỉnh nhà không ngừng tăng và khẳng định được thương hiệu. 

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết tại Bạc Liêu ngày 18/5 vừa qua. Ảnh: Phan Thanh

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc triển khai thực hiện Đề án còn chậm; nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án tương đối lớn trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh có giới hạn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân đầu tư vào lĩnh vực thủy sản còn hạn chế; chính sách đầu tư tín dụng để phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư cho nông dân; nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản là rất cao; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản còn thiếu và chưa đồng bộ… Theo đó, Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận những kết quả đạt được, hạn chế, và nguyên nhân trong quá trình thực hiện Đề án; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời đề xuất các giải pháp cần tập trung thực hiện, giúp cho nhiệm vụ xây dựng Bạc Liêu trở thành ngành công nghiệp tôm của cả nước. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài; không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng và bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường; hướng đến tạo thương hiệu “Tôm sạch Bạc Liêu”. 

Do vậy, đề nghị các đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tại Đề án, chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện; đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2020 – 2025 đảm bảo tiến độ và hiệu quả. Phấn đấu xây dựng hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh để tôm Bạc Liêu đạt yêu cầu chất lượng và có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Cung cấp thông tin về các quy hoạch, chủ trương đã và đang áp dụng, các dự án, đề án, nhất là chủ trương “Xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”…

Phan Thanh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!