(TSVN) – Nhằm tìm giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, ngày 26/7, Tạp chí Hải quan đã tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản”.
Tọa đàm với sự tham dự của đại diện Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan; lãnh đạo cục hải quan các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và trên 100 doanh nghiệp liên quan.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã phân tích, chia sẻ nhiều nội dung còn tồn tại và đưa ra các giải pháp nhằm doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, nhất là xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là thị trường cao cấp.
Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý (Tổng cục Hải quan) đã chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ của ngành đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thời gian qua; phân tích những nguyên nhân của tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc và khuyến nghị các giải pháp giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả xuất khẩu.
Theo ông Tám, hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản được nhà nước khuyến khích với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông, thủy sản đơn giản, tạo thuận lợi thương mại và được ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp (đã xuất hiện biến chủng mới) và nhiều nước trên thế giới còn áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch nên hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng.
Theo đó, để hạn chế những ảnh hưởng này, ngành hải quan khuyến nghị các doanh nghiệp khi xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản cần lưu ý 4 vấn đề.
Thứ nhất, cần nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng chống dịch của Việt Nam cũng như các nước có liên quan kịp thời.
Thứ hai, thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế; các nội dung thỏa thuận tại các hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh/thiên tai…
Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào một đối tượng khách hàng, một thị trường truyền thống.
Thứ tư là hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu…
Bảo Bình