(TSVN) – Vận chuyển, tiêm chủng, lấy mẫu, xử lý dịch bệnh… dễ khiến cá bị căng thẳng. Do đó, cần các biện pháp tự nhiên để xử lý căng thẳng mà không tác động tiêu cực lên tập tính, tăng trưởng, hiệu suất và tỷ lệ sống của vật nuôi.
Các loài cá sống trong điều kiện căng thẳng phản ứng theo bản năng và tăng cường trao đổi chất để ứng phó với căng thẳng thông qua nhiều tập tính khác nhau (thường thấy nhất là lẩn trốn và bơi gấp, nhưng cũng có thể chống chọi và tìm cách thích nghi). Quá trình này liên quan đến tín hiệu nội tiết tố corticotropin (sản xuất corticosteroids và catecholamines) sản sinh ra trong tình trạng căng thẳng (Hội chứng thích nghi chung của Seyle); đồng thời, đòi hỏi sản xuất và sử dụng bổ sung glucose khiến bộ phận còn lại trong cơ thể thiếu ôxy và năng lượng để duy trị cân bằng nội môi.
Căng thẳng càng kéo dài, vật nuôi càng phải tăng cường ứng phó và càng tiêu tốn nhiều năng lượng. Hậu quả, chức năng của hệ thống miễn dịch bị biến đổi, khiến cá dễ bị nhiễm mầm bệnh khác nhau trong môi trường. Căng thẳng cũng gây ra tình trạng ngừng tiêu thụ thức ăn tạm thời, kéo theo nguy hiểm cho vật nuôi, khiến chúng không hấp thụ được năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động bên trong và duy trì sự sống.
Tất cả những hậu quả của căng thẳng có thể làm cho vật nuôi ốm yếu hơn, chết, chất lượng thịt thấp, gây thiệt hại kinh tế cho nhà sản xuất. Do đó, cần phải hạn chế những hậu quả của căng thẳng để duy trì sức khỏe, phúc lợi vật nuôi cùng tăng trưởng tối ưu. Để giảm thiểu những hậu quả từ căng thẳng, các trang trại thường sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc mê. Tuy nhiên, một số loại thuốc an thần mất quá nhiều thời gian để phát huy tác dụng hoặc tác dụng quá lâu, gây căng thẳng nghiêm trọng đến vật nuôi và dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Phodé, tại Albi, Pháp đã kết hợp những phân tử cảm giác để tạo ra công thức phù hợp với từng loài, mang lại cho động vật trạng thái “tốt hơn”. Do đó, Phodé đã phát triển giải pháp đặc hiệu dành cho cá, Olpheel Zen, để cải thiện khả năng phục hồi của vật nuôi khi phải đối mặt với tình huống căng thẳng trong quá trình sản xuất.
Ảnh: ALAMY
Thử nghiệm được tiến hành tại Trung tâm Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản (CAT) ở Canada với 400 con cá hồi Atlantic khác giới tính. Số cá này được nuôi trong 4 bể với mật độ trung bình 30,21 kg/m3. Mỗi bể tương ứng với một cách xử lý căng thẳng khác nhau. Bể đối chứng âm (A) không sử dụng sản phẩm nào. Ba bể còn lại sử dụng Olpheel Zen 20 ppm (B) và Olpheel Zen 40 ppm (C) và Olpheel Zen 20+20 ppm (D). Ở bể D, sử dụng Olpheel Zen 20+20 ppm lần thứ hai cách lần nhất 2 giờ.
Sau thời gian thích nghi 14 ngày, trong ngày đầu tiên của thử nghiệm, sản phẩm được cho trực tiếp vào nước trong bể. Sau khi sử dụng sản phẩm 35 phút, thực hiện mô phỏng thay đổi nơi ở của cá bằng cách giảm khối lượng riêng trung bình của nước xuống 85 kg/m3 và chuyển cá sang bể khác có cùng nồng độ sản phẩm xử lý. Sau 4 giờ sử dụng sản phẩm, chuyển cá trở lại bể ban đầu. Các mẫu máu được lấy ở 5 thời điểm khác nhau để đo mức cortisol xung quanh tác nhân gây căng thẳng. Bốn mẫu huyết tương gộp được lấy từ 3 con cá mỗi nhóm. Thời gian đạt độ ôxy bão hòa 30% được đo từ thời điểm căng thẳng khi quay lại đánh giá mức tiêu thụ thức ăn. Phân tích dữ liệu bằng phương pháp mô hình tuyến tính ANOVA.
Ngay sau khi thay đổi bể nuôi, lượng ăn vào của nhóm cá đối chứng giảm mạnh từ mức trung bình 1,91 g thức ăn/con/ngày xuống còn 0,69 g. Kết quả này chứng tỏ tác động tiêu cực của căng thẳng lên tập tính thèm ăn của cá. Cá được xử lý bằng Olpheel Zen ngay lập tức trở lại hành vi ăn bình thường và lượng ăn vào nhanh hơn, đặc biệt ở nhóm D (2,5 g so với 0,69 g ở nhóm đối chứng). Theo quan sát, nhóm cá được xử lý bằng Olpheel Zen bơi khỏe khắp bể để tìm thức ăn, trong khi nhóm đối chứng ít quan tâm đến thức ăn.
Đối với ôxy, thời gian dài nhất để đạt độ bão hòa được ghi nhận ở nhóm cá D, tiếp đến là nhóm B (17,4 và 14,2 so với 11 phút của nhóm đối chứng). Điều này chứng tỏ Olpheel Zen giúp hành vi của cá trở lại bình thường, đặc biệt khi dùng ở nồng độ 20 ppm, lặp lại sau 2 giờ.
Nồng độ cortisol ở mỗi nhóm cá tăng lên sau 35 phút. Đây là dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã xuất hiện khi thay đổi bể nuôi. Cortisol giảm đáng kể ở nhóm cá B và D sau 4 giờ sử dụng Olpheel Zen (p<0,05). Nhìn chung, các nhóm cá sử dụng Olpheel Zen đều có mức cortisol thấp hơn nhóm đối chứng trong toàn bộ thời gian thử nghiệm. Tuy nhiên, cá ở nghiệm thức D phục hồi nhanh hơn về mức cortisol thấp sau khi bị căng thẳng.
Nồng độ Olpheel Zen 20 ppm mang lại hiệu quả tốt nhất, đặc biệt khi sử dụng lặp lại 2 giờ/lần. Những dữ liệu về cortisol cho thấy người nuôi cá có thể thay thế thuốc an thần giảm căng thẳng cho cá trong quá trình vận chuyển bằng một giải pháp tự nhiên.
Vũ Đức
(Theo InternationaAquaFeed)