UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn giải tỏa lệnh cấm tàu, thuyền cho ngư dân ra biển hoạt động, đánh bắt hải sản trở lại nhưng phải theo dõi chặt chẽ các thông tin về diễn biến của thời tiết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Tàu neo đậu tránh trú bão trên sông Cà Ty, Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Theo tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão tác động và khối không khí lạnh phía Bắc tiếp tục tăng cường, dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy cơ gây mưa, lũ.
Căn cứ tình hình trên, UBND tỉnh giao Bộ đội Biên phòng tỉnh khẩn trương giải tỏa lệnh cấm tàu, thuyền cho ngư dân ra biển hoạt động, đánh bắt hải sản trở lại nhưng phải theo dõi chặt chẽ các thông tin về diễn biến của thời tiết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh tiếp tục phân công trực 24/24h và thường xuyên kiểm tra an toàn các hồ chứa nước; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động điều tiết vận hành các hồ chứa phù hợp, tiết kiệm nước đảm bảo cân đối nguồn nước đủ cung cấp cho mùa khô.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết và các ngành liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra, nắm chắc tình hình ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 12 gây ra trên từng địa phương, đề xuất các biện pháp hỗ trợ kịp thời để UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị cử người trực ban theo dõi thông tin thời tiết xấu sau bão có thể gây mưa, lũ lớn, ngập lụt, sạt lở đất để sẵn sàng ứng cứu kịp thời, cứu người, cứu tài sản và báo cáo kịp thời diễn biến bất thường về thiên tai trên địa bàn cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Tương tự, do tình hình thời tiết đã ổn định trở lại nên sáng cùng ngày, UBND tỉnh Ninh Thuận đã dở bỏ lệnh cấm biển, cho ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ đưa tàu, thuyền ra khơi đánh bắt; đồng thời tập trung khắc phục thiệt hại sau bão, giúp người dân có tài sản bị thiệt hại ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lương Xuân Vinh trao tặng kinh phí hỗ trợ cho hộ dân ở huyện Bác Ái có nhà bị tốc mái. Ảnh: Công Thử/TTXVN
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận Trần Văn Tuấn còn cho biết, với những hộ dân di dời trú bão trước đó, chính quyền các địa phương có trách nhiệm giúp dân vận chuyển đồ dùng sinh hoạt về lại nhà để ổn định cuộc sống.Đối với 58 căn nhà của những hộ dân bị thiệt hại sau bão ở các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương huy động lực lượng giúp dân sửa sang nhà cửa, vườn tược…; trích nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để hỗ trợ cho người dân tu sửa, sớm ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Mấu Thái Phương cho biết, qua thống kê chưa đầy đủ, hiện huyện Bác Ái đã có 31 căn nhà bị tốc mái, 4 phòng học của Trường tiểu học Phước Thành B bị tốc mái, nhà ăn của Trường mẫu giáo Phước Đại bị sập. Sau khi dứt bão, sáng 5/11, UBND huyện Bác Ái đã khẩn trương xuống địa bàn các xã chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại. Trước mắt, UBND huyện trích nguồn kinh phí dự phòng của huyện hỗ trợ một phần cho mỗi hộ dân có nhà bị tốc mái để tu sửa lại nhà cửa; huy động lực lượng dọn dẹp cây cối, các biển báo, pano quảng cáo bị ngã đổ trên đường.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, dù có tác động của cơn bão số 12, nhưng do lượng mưa không đáng kể, chỉ phổ biến từ 40 đến 60 mm; đồng thời nhờ chủ động ứng phó nên Ninh Thuận không xảy ra thiệt hại đáng kể về tài sản. Hiện nay mực nước các sông trên địa bàn đã xuống thấp. Mực nước trên sông Cái Phan Rang từ báo động 2 trước đó, nay đã xuống dưới báo động 1.