Để hạn chế tình trạng tôm chậm lớn gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi, nhiều ý kiến đã được đưa ra:
Bà Đỗ Thị Thu Đông – Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi: Áp dụng mô hình nuôi tôm an toàn
Dự kiến năm nay cả tỉnh sẽ nuôi tôm trên diện tích 600 ha và sản lượng ước đạt trên 4.700 tấn. Tuy nhiên đó mới chỉ là kế hoạch. Còn việc thực hiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện khác như người dân có tuân thủ đúng lịch thời vụ hay không… Mới vào đầu vụ thời tiết bất thường, một số hộ thả tôm giống sớm bị chết, song số lượng không nhiều. Chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình nuôi tôm ở các địa phương. Từ đó đưa ra nhiều cách giải quyết hợp lý nhất cho người nuôi an tâm vào vụ mới. Khuyến cáo người nuôi không thả tôm giống khi thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi tôm an toàn mà Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đưa ra được tỉnh khuyến khích các hộ nuôi triển khai, đồng thời xây dựng một số mô hình điểm.
Ông Nguyễn Văn Buội, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bến tre: Ổn định môi trường ao nuôi
Con giống và vấn đề bảo vệ môi trường chung đang là sự quan tâm hàng đầu của các ngành chức năng cũng như người nuôi tôm địa phương, từ đó mắc các chứng bệnh gây chết tôm hoặc không lớn. Theo đó, người dân ngoài việc bổ sung dinh dưỡng cho tôm, theo dõi sát diễn biến tình hình phát triển của tôm, chủ động ứng phó kịp thời, duy trì chế độ quạt nước hợp lý; quản lý chế độ cho ăn nghiêm ngặt, tránh dư thừa. Ðồng thời, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân cần theo dõi thông tin về tình hình giá tôm nguyên liệu để có định hướng thả nuôi theo mùa vụ, theo năng lực về vốn, khả năng quản lý môi trường ao nuôi.
Ảnh: Nguyễn Hoàng Trong
Ông Phan Hữu Hội – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Tiền Giang: Người dân nên tuân thủ quy định nuôi tôm
Trong các vụ nuôi tôm gần đây tình trạng tôm chậm lớn được ghi nhận ở nhiều ao nuôi, kể cả nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và quảng canh cải tiến. Nguyên nhân có thể do việc sử dụng thức ăn, nguồn tôm post giống, do việc sử dụng kháng sinh… Cụ thể, chất lượng con giống không đảm bảo từ cơ sở sản xuất, kích cỡ tôm chưa đạt, nhiều người thả nuôi tôm sú kích cỡ nhỏ PL12 – 13, TTCT PL9 – 10. Hơn nữa, do thức ăn không đạt, tôm không hấp thụ đủ độ đạm trong thức ăn. Ngoài ra, có thể do mật độ thả nuôi quá dày, sự thay đổi khí hậu dẫn đến trái đất nóng lên, bệnh gan tụy xảy ra, người nuôi dùng liều lượng kháng sinh nhiều hơn so với quy định. Để khắc phục những nguyên nhân trên, cần tuân thủ đúng quy định từ lúc thả nuôi đến thời gian thu hoạch. Kích cỡ thả nuôi với từng loại tôm phải đúng yêu cầu kiểm tra thường xuyên lượng đạm tiêu hóa của tôm. Sở NN&PTNT các địa phương cần sớm kiến nghị Bộ NN&PTNT để nghiên cứu lượng đạm hấp thụ cho phù hợp. Đồng thời, hạn chế sử dụng kháng sinh.
Ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục Phó Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau: Cung cấp thêm dinh dưỡng cho nuôi tôm
Độ mặn biến động (cao, thấp) là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của tôm, khiến tôm chậm lớn, phát sinh nhiều nguồn gây hại cho tôm từ đầu năm đến nay. Để hạn chế thiệt hại, người nuôi cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho tôm, sử dụng nguồn thức ăn có chất lượng tốt; kết hợp chăm sóc, quản lý các yếu tố môi trường để tăng cường sức đề kháng. Tránh để các nguồn nước thải trong sinh hoạt ảnh hưởng đến quá trình nuôi tôm, thường xuyên thay nước để đảm bảo đủ ôxy và thức ăn tự nhiên cho tôm.
Ông Dương Văn Hùng – Giám đốc DNTN Tôm giống Dương Hùng: Người nuôi tôm cần bình tĩnh
Người nuôi tôm các tỉnh ĐBSCL hiện nay rất khó khăn, tôm nuôi chậm lớn, chưa kể vừa qua mưa lớn trái vụ kéo dài khiến tôm chết đỏ ao, đầm, nhiều người nguy cơ trắng tay. Yếu tố thời tiết nên con người chẳng thể làm gì được, biện pháp duy nhất bây giờ là phải thay đổi cách làm. Nên đợi thời tiết ổn định trở lại hãy tiếp tục xuống giống, đồng thời áp dụng cách nuôi mới để thành công. Điều quan trọng nhất lúc này là đừng nóng vội, vì càng nóng vội thả nuôi càng dễ thất bại. Đừng ham giống được tặng, được giảm giá mà thả nuôi, vì các chi phí khác còn lớn hơn nhiều lần. Hơn nữa, thời điểm này giá tôm thương phẩm đang thấp, người nuôi tốt thì lãi ít, nuôi kém thì lỗ, nếu vướng dịch bệnh thì lỗ nặng.
>> Để chủ động phòng ngừa, hạn chế ảnh hưởng bất lợi cho tôm nuôi cần: – Tuân thủ lịch thời vụ thả giống năm 2015. – Cải tạo ao đầm nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, phơi khô đáy ao 3 – 4 tuần để loại bỏ mầm bệnh và các độc tố tồn lưu trong nền đáy ao. – Các cơ sở, hộ nuôi tôm công nghiệp cần có ao lắng, ao xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác; luôn đảm bảo điều kiện môi trường thích hợp cho tôm sinh trưởng (duy trì nồng độ oxy hòa tan cao, độ mặn phù hợp, nhiệt độ nước ổn định…). – Tôm giống thả nuôi phải đạt kích cỡ (với tôm sú là PL15, TTCT PL12) và phải có giấy kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền. – Không thả nuôi quá dày. Với nuôi thâm canh tôm sú nên thả với mật độ 15 – 20 com/m2, tôm chân trắng 50 – 60 con/m2. Với nuôi quảng canh cải tiến nên 5 – 6 con/m2. – Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, nhằm kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường để có hướng xử lý kịp thời, giảm thiệt hại, duy trì mực nước trong ao (trên 1,2 m). – Vào mùa nắng nóng, cần theo dõi, quản lý ao nuôi, đề phòng tôm bị sốc. – Ở vùng có tôm chết tỷ lệ cao và kéo dài, nên tạm ngừng thả giống, chờ điều kiện môi trường thuận lợi mới thả nuôi tiếp. Lê Thanh Tuấn (Chi cục NTTS Cà Mau) |