Đó là nội dung được đưa ra tại Hội nghị Triển khai thực hiện Công điện số 732 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 24/8.
Tuyên truyền cho ngư dân về khai thác thủy sản bất hợp pháp Ảnh: CTV
Tiếp diễn tinh vi
Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nêu thực trạng tình hình tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm trái phép vùng biển các nước. Đáng lưu ý, hầu hết các tàu bị các nước bắt giữ đều là tàu xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), trong 6 tháng đầu năm 2017, có 13 tàu cá xã Bình Châu với 191 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản tại các nước như Australia, Pháp, Solomon. Cũng tại xã Bình Châu, trong 8 tháng đầu năm 2017, 3 tàu đi Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Quốc đâm chìm, 14 tàu bị tịch thu tài sản. Ngoài ra, các tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã tiến hành xử phạt hành chính 1 tỷ đồng với 18 trường hợp vi phạm, tước bằng thuyền trưởng, máy trưởng, nộp phạt 50 – 70 triệu đồng, phạt bổ sung giam tàu 5 tháng.
Mặc dù, các ngành chức năng đã tiến hành xử lý, xử phạt, tuy nhiên chế tài xử lý vẫn chưa đủ tính răn đe. Chẳng hạn như khi xuất bến, tàu chở theo một lượng dầu rất lớn, biết khả năng những tàu này dự tính xâm phạm vùng biển các nước nhưng không có quy định nào cấm tàu chở nhiều nhiên liệu; hay khi các tàu cập bến, chở về một lượng lớn hải sâm nhưng chưa có quy định chủ tàu, thuyền trưởng khai báo nguồn gốc sản phẩm và cũng không có quy định xử lý sản phẩm không rõ nguồn gốc…
Bên cạnh đó, tình trạng môi giới đưa tàu đi nước ngoài cũng đã xuất hiện và khó phát hiện. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết: “Vừa qua đã phát hiện, bắt giữ, truy tố 1 vụ môi giới đưa tàu đi nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm, có 11 trường hợp tàu bị bắt vi phạm vùng biển nước ngoài”.
Vì lợi nhuận…
Khi nguồn lợi thủy sản vùng biển trong nước ngày càng cạn kiệt, trong khi nguồn lợi thủy sản vùng biển các nước còn rất dồi dào, nhất là các loài có giá trị hải sâm, tai tượng, rùa… sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình tình trạng ngư dân đi khai thác trái phép. Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chia sẻ, nguồn lợi ở các nước khác rất đa dạng, chưa bị cấm, hay có luật cấm buôn bán tại Việt Nam. Nhiều ngư dân vì lợi nhuận đã chạy tàu sang các nước khác để đánh bắt. Nhiều ngư dân chia sẻ rằng, họ chỉ cần ra khơi 3 đêm khỏi biển Việt Nam là tôm cá đầy thuyền. Họ biết rõ là vi phạm nhưng hình phạt chỉ 50 – 70 triệu, so lợi nhuận có được thì rất thấp. Nhiều tàu vi phạm 3, 4 lần vẫn đóng tàu mới vươn khơi.
Phía tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ ra rằng, một số quốc gia có chính sách đối xử nhân đạo với ngư dân khi bị bắt như cho kiểm tra sức khỏe, chữa bệnh miễn phí, chế độ ăn uống đầy đủ, trong khi giam giữ còn cấp tiền tiêu vặt, mua vé máy bay và cử người đưa về tận Việt Nam (như Australia), nên vô hình chung làm cho các ngư dân tiếp tục tái phạm. Một số trường hợp chủ tàu, thuyền trưởng được các chủ nậu đầu tư tàu thuyền, chi phí chuyến biển để sang vùng biển các nước khai thác hải sâm. Khi bị bắt, các chủ nậu bỏ tiền nộp phạt, đưa ngư dân về nước, bỏ vốn đóng tàu mới.
Kế hoạch hành động quốc gia
Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng các biện pháp trừng phạt (thẻ vàng, thẻ đỏ) đối với các sản phẩm thủy sản từ các quốc gia không kiểm soát hiệu quả khai thác dẫn đến khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt IUU) hoặc treo cờ quốc gia đó từ năm 2008. Đến nay đã có 24 quốc gia bị EU áp dụng hình thức phạt thẻ.
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 732/CĐ-TTg nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hội nghị này cũng đề ra các giải pháp, dự thảo nhằm xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, đây là cơ hội để chúng ta tổ chức lại quá trình sản xuất. Từ khi Công điện 732 ra đời, tình trạng tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển các nước đã giảm, đây là dấu hiệu tốt. Các tỉnh cần có báo cáo, tổng kết, kiểm điểm gửi Chính phủ. Cùng đó, sẽ kiến nghị đưa các hải sản quý hiếm vào danh mục cấm khai thác, vận chuyển, mua bán. Ngoài ra, sắp tới các Bộ sẽ tăng cường thỏa thuận nghề cá với các nước trong khu vực, phối hợp xây dựng đường dây nóng, hỗ trợ đưa ngư dân trở về nước.
>> Ngư dân Lê Thanh Quang, tàu cá QNg 90945TS (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn): “Ngư dân chúng tôi trước kia đi đánh bắt các nước rất nhiều nhưng không bị bắt nhiều như bây giờ. Nên ngư dân nghĩ là dù Nhà nước không cấm thì ngư dân cũng không dám vi phạm khi các nước tăng cường lực lượng tuần tra trên biển. |