Từ ngày 10 đến 17/3 tình hình môi trường diễn biến phức tạp, nhất là trong 2 ngày 12 và 13/3 độ mặn nước biển tăng cao đột ngột lên đến 38‰. Nghêu nuôi trên bãi biển xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông xảy ra tình trạng chết chưa rõ nguyên nhân gây thiệt hại lớn cho một số hộ nuôi. Tình trạng nghêu chết chưa có dấu hiệu dừng lại vì qua khảo sát ở một số sân nghêu mới đây hiện tượng nghêu trồi lên mặt cát không vùi xuống được vẫn đang xảy ra.
Anh Nguyễn Văn Toàn (ấp Cây Bàng, xã Tân Thành) cho biết, từ rằm tháng giêng, đã xuất hiện tình trạng nghêu chết khoảng 20%, 10 ngày nay gió chướng thổi mạnh, nghêu chết lan ra diện rộng, nhất là trong 4 ngày gần đây, nghêu trên sân của anh chết khoảng 90%.
Anh Toàn thả nuôi trên diện tích 3,7 ha, từ cuối năm 2013, và dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 7 tới đây, nếu thuận lợi sản lượng thu hoạch từ 70 đến 80 tấn, nhân với giá thị trường thời điểm hiện nay 16.000 đồng/kg, sẽ thu về hơn 1 tỷ đồng. Dự định là vậy nhưng giờ đây, nhìn sân nghêu chết trắng anh Toàn lo lắng, chi phí đến thời điểm này gần 500 triệu đồng.
Anh Toàn cho biết: tình trạng nghêu chết đột ngột, với số lượng nhiều như thế này thì người nuôi không lường trước để chủ động di chuyển hoặc gom vét, vì nguồn thu từ nghêu không đủ để thuê nhân công.
Ngày 17/3, UBND huyện tổ chức khảo sát tình hình thực tế trên sân của một số hộ nuôi nghêu khu vực ven bờ và ngoài vùng nước sâu có diện tích thiệt hại khoảng 100 ha của 12 hộ nuôi ở khu vực cồn Vạn Liễu và cồn Ông Mão, tỉ lệ thiệt hại khoảng từ 60% – 80%, sản lượng khoảng 1.000 tấn.
Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết: Trước tình hình trên UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp cùng Trạm Thú y tổ chức thu mẫu nghêu và nước để chuyển đến các cơ quan chuyên môn phân tích xác định nguyên nhân gây nghêu chết và thành lập tổ khảo sát đánh giá thiệt hại do nghêu chết trên các sân nuôi thuộc khu vực xã Tân Thành.
Từ năm 2009, trên địa bàn huyện Gò Công Đông đã xảy ra hiện tượng nghêu chết, trong đó năm 2013 nghêu chết tỷ lệ chiếm 80 – 90%, một số hộ nuôi nghêu gặp khó khăn, nợ nần, đến nay vẫn chưa phục hồi, vốn tái sản xuất thả nghêu nuôi nhiều hộ phải vay ngân hàng. Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ phần nào cho người nuôi.
Nuôi nghêu là nghề sống chủ yếu của ngư dân vùng biển Gò Công Đông, với diện tích nuôi 1.600 ha, và nguồn lợi từ nghêu đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của huyện, do đó khắc phục khó khăn cuối năm 2013, người dân và Ban Quản lý Cồn bãi huyện thả nuôi cho một mùa vụ mới, dự kiến sẽ thu hoạch sau 1,5 – đến 2 năm tùy kích cỡ giống lúc thả, với hy vọng sẽ vào vụ thu hoạch từ khoảng tháng 6 tới. Thế nhưng giờ đây hiện tượng thời tiết bất thường, người nuôi nghêu vùng biển Gò Công lại một lần nữa đang thấp thỏm, lo lắng.