(TSVN) – Đó là chủ đề của buổi hội thảo do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào ngày 12/10 vừa qua. Đây cũng là sự kiện đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn “Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: Khai thác bền vững – Đẩy mạnh nuôi trồng” mà Báo Tuổi Trẻ khởi xướng. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng cùng hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội và người nuôi tôm.
Mặc dù đang có chuyến công tác tại tại tỉnh Bến Tre, nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan rất quan tâm đến hội thảo này và đã dành một bài phát biểu khai mạc trực tuyến với thông điệp kêu gọi cùng nhau đồng hành tạo ra hệ sinh thái, mà ở đó bao gồm cả nông dân, ngư dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý từ Trung ương tới địa phương và nhà truyền thông. Theo Bộ trưởng, ngành thủy sản không chỉ đứng trước khó khăn đến từ tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mà còn có cả tác động từ việc khai thác, nuôi trồng không theo chuẩn mực. Do đó, định hướng chung là phải cấu trúc lại ngành thủy sản theo hướng giảm đánh bắt, chuẩn hóa quy trình khai thác biển và tăng nuôi trồng. “Đây là hướng mà chúng ta sẽ tiến tới và buổi hội thảo này là một dấu mốc cho sự tự tin hướng về phía trước, nhằm hiện thực hóa chiến lược nông nghiệp nông thôn bền vững mà Chính phủ đã phê duyệt”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ao nuôi tôm của Công ty Uni-President Việt Nam tại Sóc Trăng. Ảnh: PTC
Cũng tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, cho rằng, đây là ngành kinh tế quan trọng của 17 triệu dân ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Riêng tại Sóc Trăng, thủy sản chi phối đời sống của gần 50% dân số của tỉnh và được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, cùng với những tác động xấu đến từ biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan… còn có nhiều vấn đề phát sinh nội tại như: năng suất lao động thấp, cấu trúc nền kinh tế chưa thật sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, người lao động di cư ngày một gia tăng… là vấn đề tồn tại và thách thức hiện nay đang phải đối mặt. Nhà Báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, mong muốn qua hội thảo sẽ nhận được những ý kiến, đóng góp, chia sẻ giải pháp từ lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các nhà khoa học, chuyên gia lĩnh vực để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, đưa ngành thủy sản vươn lên top đầu thế giới.
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung tham luận có giá trị thực tế cao, như: Tham luận về nút thắt trong nghề nuôi tôm và giải pháp tháo gỡ của ông Hoàng Thanh Vũ – Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty CP Thực phẩm Sao Ta; tham luận về chiến lược quy hoạch và cơ chế phát triển vùng nuôi thủy sản của ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững hệ thống nuôi thủy sản vùng ĐBSCL của TS. Trương Minh Thái – Trường Đại học Cần Thơ… Đại diện các doanh nghiệp thủy sản của tỉnh Sóc Trăng, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Hiệp hội cá tra Việt Nam… cũng mang đến hội thảo nhiều ý kiến, cũng như đề xuất các giải pháp thiết thực cho sự phát triển của ngành thủy sản.
Theo Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong những năm gần đây, thủy sản là một trong những lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đến từ khách quan lẫn nội tại, như: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới, khai thác và nuôi trồng không theo chuẩn mực… mà nếu không có giải pháp kịp thời, hiệu quả rất dễ bị đánh mất vị thế trên thị trường thế giới. Do đó, để giữ vững cả 3 trụ cột là khai thác, bảo tồn và nuôi trồng, ngành thủy sản còn rất nhiều việc phải làm, có những việc cần phải làm ngay, làm nhanh và làm có hiệu quả, như: hạn chế khai thác IUU, cấp mã số vùng nuôi, nuôi theo chuẩn quốc tế…
Xuân Trường