Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước hoạt động, đồng thời thu hút của đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, mấy năm qua, nhiều thủ tục hành chính rườm rà đã được ngành chức năng Việt Nam tháo gỡ. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có ý kiến về vấn đề này.
Đóng gói cá tra xuất khẩu Ảnh: LHV
E ngại thuế, hải quan
Đây là hai “rào cản” mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn bị vấp nhất. Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những chính sách, pháp luật về thuế hiện đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên, một số quy định trong chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến doanh nghiệp gặp khó. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, có những quy định, thông tư về thuế vừa ra đời đã chỉnh sửa, bổ sung, văn bản ra lúc nào doanh nghiệp cũng không biết. Điều đó khiến cho nhiều doanh nghiệp nắm bắt không kịp những thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung.
Cùng đó, do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc áp dụng Luật thuế. Chưa kể, những hoạt động thanh, kiểm tra thuế cũng diễn ra quá chậm khiến doanh nghiệp chịu nhiều hậu quả phát sinh hay những nhiêu khê khi xác nhận nộp đủ thuế.
Còn về lĩnh vực hải quan, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng công văn trả lời cho các vướng mắc của doanh nghiệp còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng cũng như các hướng dẫn cụ thể. Hơn nữa, quá trình giải quyết thủ tục hành chính cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định. Trong một số trường hợp, sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan chưa đồng bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doah nghiệp; thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần nhỏ những vướng mắc của doanh nghiệp, bởi khi thực hiện, còn nhiều phát sinh không tiện nói ra.
Thủ tướng có ý kiến
Trước những phản ánh của các hội, hiệp hội và để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thuế, hải quan, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về vấn đề này.
Theo đó, tại Công văn số 4765/VPCP-KSTT ngày 22/5/2018 của Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu phản ánh, kiến nghị khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để xử lý, trả lời theo quy định và báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/6 tới. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ; xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hành vi tiêu cực.
Mặt khác, khẩn trương nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền và hoàn thành trong quý III kiến nghị sửa đổi quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 theo hướng miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên phụ liệu đưa đi gia công tại cơ sở sản xuất khác và đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu bị tiêu hủy, trên cơ sở bình đẳng giữa loại hình sản xuất xuất khẩu và loại hình gia công; Xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi các Thông tư quy định một số mức phí và lệ phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm bảo đảm hợp lý, giảm chi phí cho doanh nghiệp; Tiếp tục hoàn thiện danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam để tạo sự thống nhất, minh bạch và hạn chế tiêu cực trong việc áp mã HS; giải quyết vướng mắc về phí cân bằng container (CIC), phí chứng từ (D/O), phí vệ sinh container quy định tại Công văn 1237/TCHQ-TXNK ngày 8/3/2018 của Tổng cục Hải quan để bảo đảm phù hợp thẩm quyền, cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, hải quan để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, quá tải, lỗi hệ thống xảy ra trong thời gian qua và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức cơ quan thuế, hải quan. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống thông tin của Bộ Tài chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia trong việc thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực rà soát, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền, chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
>> Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, các Cục Hải quan, Cục Thuế tăng cường quản lý cán bộ, công nhân viên, kiểm tra xử lý vi phạm nghiêm túc, đưa ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm kịp thời hơn. |