Gỡ khó vụ nghịch

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đối với các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, thời điểm này được xem là mùa nghịch của con tôm nước lợ, nên việc quản lý, chăm sóc ao tôm luôn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để có vụ nghịch thành công như mong muốn, đòi hỏi người nuôi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cũng như kinh nghiệm và trình độ tay nghề trong nuôi tôm.

Vụ nghịch – khó chồng khó

Có dịp trao đổi với những người nuôi tôm nước lợ lâu năm tại các tỉnh trọng điểm, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… chúng tôi đều được nghe câu nhận xét rất giống nhau là “Tôm năm nay nuôi khó”. Theo những người nuôi trên cho biết, năm nay khó nuôi do nhiều yếu tố, như: thời tiết thất thường, độ mặn giảm nhanh, dịch bệnh bùng phát âm ỉ gần như suốt năm…; trong đó có cả yếu tố con giống. Vụ chính vốn đã khó, đến vụ nghịch này lại càng thêm khó, nên kết quả không như mong muốn. Một chủ trang trại nuôi tôm lớn, lâu năm ở Sóc Trăng khẳng định: “Thực tế qua 2 vụ nuôi tôi thấy chất lượng con giống năm nay có phần sụt giảm so với năm rồi. Không ít con giống dấu hiệu có mầm bệnh trước khi tới ao nuôi”.

Người nuôi cần tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh trên tôm. Ảnh: SK

Khó khăn là điều đã và đang diễn ra trong vụ tôm năm nay, nhưng là cách nào để vượt qua, mang lại thành công cho vụ nuôi nghịch mùa này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào trình độ tay nghề, mô hình… của mỗi hộ, trang trại nuôi. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Tuy âm ỉ, nhưng từ đầu năm đến nay có thể thấy, bệnh vi bào tử trùng (EHP) có sự phát tán khá lớn tại những vùng nuôi tôm. Cùng với đó là thời tiết thất thường khiến vụ nghịch càng thêm khó. Cũng do EHP khiến tôm chậm lớn, nên tôm cỡ lớn rất hiếm, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải mua vào để trả nợ hợp đồng nên tôm cỡ lớn tăng giá mạnh”. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, chia sẻ: “Vụ này ở ĐBSCL là vụ nghịch, rất khó nuôi. Do đó, muốn nuôi được phải có bí quyết, kinh nghiệm quản lý, nếu không sẽ thua vì dịch bệnh rất nhiều do ảnh hưởng nước từ thượng nguồn và trời mưa”. Còn theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, vụ nghịch rơi vào thời điểm mưa bão nhiều, các yếu tố môi trường ao nuôi sẽ dễ bị biến động, đồng thời dịch bệnh trên tôm như bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng, phân trắng, EHP vẫn đang diễn ra rất khó lường tại các địa phương đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất nuôi tôm nước lợ của tỉnh.

An toàn sinh học là trên hết

Theo ông Phục, vấn đề chủ yếu là khâu quản lý an toàn sinh học, hay nói cách khác là người nuôi phải hiểu được thổ nhưỡng, độ mặn để hiểu được dịch bệnh có khả năng bùng phát khi nào, khoáng thiếu khi nào, nhiều hay ít… để có biện pháp xử lý phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là tôm giống vì mùa này hầu hết các trại giống khu vực ĐBSCL thường bị nhiễm bệnh do môi trường nước xấu. Thứ hai là người nuôi cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh và theo dõi, bổ sung khoáng chất đầy đủ, đúng thời điểm cũng như nhu cầu của tôm nuôi.

Cũng theo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, hiện nay ngoài tự nhiên đã không còn độ mặn thích hợp để lấy nước vào nuôi tôm, do đó người nuôi nên áp dụng giải pháp nuôi tôm tuần hoàn, tái xử lý nguồn nước cũ từ vụ nuôi trước đó có độ mặn thích hợp (trên 5‰) để xử lý nuôi tôm, nhưng không nên sử dụng nguồn nước ngầm vì trong nước ngầm có nhiều khí độc, kim loại nặng… tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tôm nuôi. Để chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan và hạn chế được dịch bệnh để bảo vệ đàn tôm, ngành khuyến cáo người nuôi nên tăng cường các biện pháp về: quan tâm chất lượng con giống, quản lý môi trường ao nuôi, thức ăn, dịch bệnh…

Theo đó, người nuôi cần tăng cường đo đạc các yếu tố môi trường, theo dõi màu nước trong ao nuôi thường xuyên trước và sau khi mưa và điều chỉnh các yếu tố môi trường sao cho ổn định và tối ưu cho tôm nuôi trong giai đoạn này như độ pH trung bình 7,5, độ kiềm từ 120 mg/l, độ trong 20 – 35 cm, ôxy hòa tan trong nước đảm bảo từ 5 mg/l trở lên. Bổ sung hàm lượng khoáng chất thiết yếu cho tôm như canxi, magie, kali đầy đủ. Cần dự trữ các vật tư đầu vào cần thiết trong giai đoạn này như vôi, chế phẩm vi sinh, khoáng lắng tụ, yucca, ôxy viên… để kịp thời xử lý trong các trường hợp cấp bách.

Đối với các ao nuôi có môi trường không đảm bảo và bị dịch bệnh thường xuyên thì nên tạm ngưng thả giống tại ao đó để cách ly mầm bệnh ít nhất 30 ngày sau đó mới cải tạo ao lại. Thường xuyên theo dõi các biểu hiện bên ngoài của tôm nuôi như ruột lỏng lẻo, đứt khúc, mủ đuôi (hạt gạo), gan nhạt màu hoặc vàng và sưng gan, teo gan, hiện tượng dính đuôi phân, phân trắng… để xử lý và ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Định kỳ kiểm tra mật độ vi khuẩn Vibrio trong ao (<1.000 CFU/ml) và sử dụng men vi sinh xử lý đáy, xử lý nước (Bacillus sp, Nitrosomonas/Nitrobacter, Rhodobacter…) để ức chế vi khuẩn có hại điển hình là Vibrio gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và phân trắng.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!