Ngày 8-1-2019, sau gần bốn năm bị cảnh báo đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Ủy ban châu Âu (EC) mới gỡ “thẻ vàng” cho Thái-lan. Từ bài học của nước bạn, để sớm gỡ được “thẻ vàng” trong năm 2019, việc tuân thủ các yêu cầu, khuyến nghị của EC là điều mà tất cả các địa phương ven biển ở Việt Nam cần phải thực hiện triệt để và đồng bộ.
Ngư dân TP Tuy Hòa (Phú Yên) chuyển cá ngừ đại dương lên bờ, sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển. Ảnh: ANH NGỌC
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng: “Việc Việt Nam bị áp “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản hơn một năm qua tuy chưa ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng như thế giới nhưng đã gây ra những bất lợi cho doanh nghiệp, do gần như tất cả các lô hàng xuất khẩu sang châu Âu đều bị kiểm tra, khiến phát sinh thêm chi phí và rất mất thời gian. Về lâu dài, uy tín của ngành khai thác hải sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì châu Âu không chỉ là thị trường lớn mà còn là thị trường khó tính, có tầm ảnh hưởng đến “tâm lý nhập khẩu” của các thị trường khác”.
Vì vậy, hầu hết các địa phương ven biển trên cả nước đã đồng loạt triển khai các biện pháp từ pháp lý đến kỹ thuật, nhằm thực hiện tốt nhất các khuyến nghị EC đưa ra để sớm gỡ “thẻ vàng”. Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cuối tháng 12- 2018, Chi cục Thủy sản tỉnh đã có văn bản về việc xóa đăng ký vĩnh viễn đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, các chủ tàu cá vi phạm cũng sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, không cho đóng mới thay thế tàu cá, buộc các chủ tàu phải đóng tiền phạt để đưa thuyền viên của tàu mình về nước.
Xác định việc ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong hành trình gỡ “thẻ vàng”, tỉnh Bình Định kiên quyết xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm. Cũng trong tháng 12-2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, trong đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức triển khai Luật Thủy sản năm 2017; công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu cá vi phạm quy định IUU trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cung cấp tài liệu và phối hợp Công an tỉnh, Sở Tư pháp đề xuất hình thức xử lý vi phạm; nâng cấp, xây mới hệ thống trạm bờ, bảo đảm đủ khả năng tiếp nhận tin nhắn của tàu cá hoạt động trên biển. Thực tế, tính từ đầu năm đến hết tháng 11-2018, Công an tỉnh Bình Định đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 22 trường hợp tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và 56 trường hợp bị cảnh sát biển cảnh báo vi phạm.
Ngoài vấn đề vi phạm vùng biển nước ngoài, việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác vẫn là “điểm nghẽn” lớn trong quá trình thực hiện các khuyến nghị của EC. Nguyên nhân là do trước nay, hầu hết ngư dân không ghi nhật ký khi đi khai thác hải sản. Trong khi đó, Ban quản lý các cảng cá cũng như đơn vị thu mua cũng không yêu cầu ngư dân xuất trình giấy tờ ghi lại hành trình khai thác của mình. Chính vì vậy, không thể một sớm một chiều thay đổi được thói quen của ngư dân mà cần đẩy mạnh tuyên truyền và tập huấn trực tiếp. Nắm được yêu cầu này, tỉnh Quảng Trị đã mở lớp tập huấn cho hàng trăm lượt chủ tàu về ghi nhật ký khai thác hải sản. Hay như tỉnh Phú Yên, việc truy xuất nguồn gốc hải sản đã được Ban quản lý các cảng cá thực hiện. Theo đó, trước khi bán cá cho doanh nghiệp, Ban quản lý cảng cá sẽ giám sát giờ tàu cập bến, số lượng cá. Nhật ký khai thác của ngư dân sẽ được lưu giữ và đối chiếu với hệ thống định vị của cơ quan chức năng để bảo đảm sự chính xác hành trình khai thác của ngư dân. Điều đáng chú ý là khi có đủ nhật ký khai thác, giá bán sản phẩm cho doanh nghiệp cũng được tăng lên, đồng thời là điều kiện để chủ tàu cá nhận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương ven biển đã nhận được sự đánh giá cao của các đoàn công tác EC tại Việt Nam trong năm 2018. Luật Thủy sản năm 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 với nhiều điểm mới, sẽ là cơ sở để EC công nhận những nỗ lực của Việt Nam. Cụ thể, Luật Thủy sản năm 2017 lần đầu quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn; bổ sung quy định nghiêm cấm đối với các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp ngoài vùng biển Việt Nam; đồng thời, các doanh nghiệp phải tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ xuất xứ nguồn gốc… Tất cả những điều này phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, thể hiện rõ sự thay đổi trong cách tiếp cận xây dựng luật là dựa vào hệ sinh thái, định hình và phát triển nghề cá chuyên nghiệp và có trách nhiệm của Việt Nam.