Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được coi là giàu nguồn lợi thủy, hải sản bậc nhất thế giới, nhưng nơi đây lại đang bị đe dọa nghiêm trọng do biến đổi thời tiết và tác động từ con người. Nếu tình hình không được cải thiện, hàng trăm loài sinh vật sẽ sớm bị xóa sổ.
Hạn hán bất thường giữa tháng 5/2015 đã làm giảm mực nước ở một số khu vực thượng lưu sông Mekong, khiến nước biển theo thủy triều từ phía Nam xâm lấn đất liền. Theo dữ liệu ghi nhận được, diện tích đất bị nước biển xâm lấn năm nay cao bất thường trong phạm vi 60 km. Dự tính, độ nhiễm mặn cao nhất sẽ được xác lập vào tháng 3/2016; trước đó, độ nhiễm mặn kỷ lục được ghi nhận vào mùa khô năm 2005. Không chỉ những loài thủy sản nước ngọt bị đe dọa, sự xâm lấn của nước mặn còn phá hủy hơn 6.000 ha ruộng trồng lúa năm 2014. Tuy nhiên, sự phá hủy này không khiến người dân lo ngại, vì nhờ đó xuất khẩu thủy sản lại phất lên khi nhiều nông dân trồng lúa chuyển sang nuôi tôm nước lợ, chủ yếu tôm thẻ chân trắng.
Tại phía Bắc, việc xây dựng các đập thủy điện trở thành vấn đề đáng lo ngại nhất. Những đập thủy điện tác động trực tiếp tới các dòng hạ lưu, đặc biệt là biên giới Thái Lan – Lào, nơi cộng đồng cư dân đang khốn đốn vì nguồn lợi thủy, hải sản suy giảm và mực nước thay đổi bất thường. Hậu quả hiện hữu trước mắt chính là tiếng chuông báo động về việc 500 ha đất bị xói mòn mỗi năm.
Trong khi đó, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam vẫn đang lên kế hoạch xây dựng nhiều đập thủy điện ở hạ lưu sông Mekong, chặn đứng đường di trú của các loài thủy, hải sản và tác động lớn tới hệ sinh thái các con sông. Nhiều đập thủy điện lớn đã giữ lại các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống của các sinh vật. Hoạt động khai thác cát, nạo vét lòng sông vẫn tiếp diễn nhiều năm qua từ hạ lưu sông Mekong, có thể khiến tàu lớn đi lại dễ dàng nhưng vô tình tạo sóng phá vỡ bờ sông và gây lụt lội.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã đưa ra lời cảnh báo ĐBSCL sẽ là khu vực nhạy cảm nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu. Nhưng thật không may là những quốc gia ở khu vực này đang bị cuốn vào những tranh cãi về phát triển đập thủy điện và dường như chưa cùng nhau tìm ra giải pháp ứng phó điều kiện khí hậu mới.
Câu hỏi đặt ra, các trại nuôi cá, tôm ở sông Mekong sẽ ra sao nếu môi trường tiếp tục thay đổi, khi đó thị trường xuất khẩu thủy sản sẽ đi về đâu? Nghề nuôi cá tra tưởng chừng nằm ngoài mối lo ngại đó, vì cá tra sống được ở nước lợ, không quá phụ thuộc nguồn nước ngọt. Nhưng lâu dài, ngành cá tra Việt Nam cũng khốn đốn nếu độ mặn tiếp tục tăng và mực nước hạ thấp. Câu trả lời nằm ở hành động của con người tại các nước thuộc khu vực sông Mekong.
Biên tập viên SeafoodSource