Ngày tôi còn nhỏ, sông hồ luôn dồi dào tôm, cua, cá. Nhưng thật đáng buồn, nạn khai thác quá mức đã làm cạn kiệt nguồn thủy hải sản tự nhiên. Có nhiều ý kiến cho rằng, ngành cá tra, basa của Việt Nam phát triển quá nóng, trong đó, chất lượng không được đặt lên hàng đầu. Nhưng tôi không nghĩ thế.
Thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu tiêu thụ trên toàn thế giới vẫn đang tăng trưởng không ngừng. Nếu nói về ngành cá tra, có lẽ có một điểm tôi thấy chưa ổn là chiến lược marketing. Nhà sản xuất vẫn còn quá chú trọng vào số lượng nhiều và giá thật rẻ. Hai yếu tố này khiến người nuôi cá và nhà máy chế biến thu được lợi rất ít, từ đó dẫn tới một “lối chơi” xấu, đó là thêm nước vào cá để tăng trọng lượng, khiến hình ảnh cá tra, ba sa Việt Nam bị “méo mó” trong mắt bạn hàng quốc tế và bị tụt hạng về chất lượng, dù giá rẻ hơn hẳn. Điều này càng khiến tình hình kinh doanh tiêu thụ cá tra, ba sa trên thị trường quốc tế trở nên tồi tệ hơn, bởi vì sự cạnh tranh giữa các công ty rất khốc liệt, đặc biệt là với các công ty sẵn sàng đánh bật đối thủ bằng công cụ hạ giá bán.
Ở các nước phương Tây, sản phẩm được phát triển theo những cách khá khác biệt. Nhiều sản phẩm như dệt may, điện tử, hàng cao cấp và thậm chí thực phẩm được định giá theo cách riêng, nhưng chi phí marketing hiệu quả và chi phí bao bì, nhãn mác hút mắt khách hàng luôn chiếm phần lớn trong giá bán cuối cùng. Nếu hai yếu tố này hoạt động ăn khớp với nhau trong suốt quá trình sản xuất hàng hóa thì tất cả các bên tham gia vào chuỗi sản xuất này đều có lợi.
Thực tế, nhiều nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Australia. Đây là nỗ lực của chính bản thân họ. Họ tạo niềm tin bằng cách bán những sản phẩm chất lượng theo đúng nhãn mác, không hóa chất độc hại, và bán đúng trọng lượng tịnh. Trong mắt tôi, người Việt Nam luôn là những con người trung thực và thẳng thắn. Hầu hết người Việt Nam đều biết cách bảo quản sản phẩm thủy hải sản. Vẫn còn một số người sản xuất ẩu, thiếu trách nhiệm nhưng quốc gia nào cũng tồn tại những vấn đề riêng. Với những người nghèo, như người nông dân, chúng ta cần phải làm việc với nhau, cùng hướng dẫn họ cách thức nuôi, sản xuất tốt hơn, từ đó họ có thể tự cải thiện phương thức sản xuất. Khi nhận thức của người nuôi, nhà sản xuất đã đạt tới trình độ cao hơn, chúng ta vẫn cần phải tuyên truyền, hướng dẫn họ nhưng đi kèm theo đó là áp dụng hệ thống quản lý bằng công cụ pháp luật cứng rắn và mạnh mẽ hơn.
Một vài nhà nhập khẩu thủy sản ở Australia đang hướng tới những sản phẩm được đánh giá cao (thậm chí có thể là cá tra, ba sa), thông qua các tiêu chí như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường, 100% trọng lượng tịnh, không sử dụng hóa chất. Họ sẵn sàng trả tiền cao hơn cho những sản phẩm này. Tôi nghĩ, nhân đây, các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam hãy thử tập trung vào phân khúc thị trường của nhóm sản phẩm cao cấp này. Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện hình ảnh và chất lượng cá tra, ba sa, hướng tới dòng sản phẩm chất lượng cao bằng cách đổi mới, thực thi chính sách quản lý mới nhằm xóa bỏ lối sản xuất kém hiệu quả, sớm chấn chỉnh, đưa cá tra trở lại quỹ đạo. Chắc hẳn việc áp dụng luật mới sẽ vướng khó khăn, do đó, tôi nghĩ, điều quan trọng là cần có thêm thời gian để hệ thống luật mới phát huy tính hiệu quả. Nhưng theo tôi, định hướng của Chính phủ Việt Nam trong việc quản lý ngành cá tra hoàn toàn đúng bởi thị trường cá tra luôn cần một công cụ dẫn lối hiệu quả.
Chủ tịch Hiệp hội Nhập khẩu Thủy sản Australia