Thời “nóng bỏng” của cá da trơn đã qua hoặc những cuộc chiến của cá da trơn không khiến người ta phải bận tâm nữa. Một phần vì người tiêu dùng đang thờ ơ với cá da trơn đang lao dốc chất lượng. Nhưng cá rô phi lại là chuyện khác, cuộc chiến giá cá nguyên liệu đang bắt đầu nổi lên giữa các hãng chế biến châu Á như Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ Latinh.
Mùa hè năm nay, giá cá rô phi nguyên liệu mua tại trại ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chỉ còn 7 RMB (1,12 USD/kg); giảm 3 RMB/kg so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá cá rô phi nguyên liệu tại miền Tây Việt Nam (350 – 700 gram) 29.000 – 30.000 VND/kg (1,32 – 1,37 USD/kg).
Ngành chế biến cá rô phi tại Trung Quốc đang thừa công suất, dẫn tới các hãng chế biến phải cạnh tranh nhau và giành giật đơn hàng bằng cách giảm giá mạnh. Hãng chế biến nào cũng tìm mọi cách ép giá nông dân, mua với giá rẻ để cạnh tranh với hãng khác. Giá cá thấp hơn chưa chắc các nước nhập khẩu hưởng lợi và hào hứng. Họ phải đề phòng chất lượng cá rô phi giá rẻ, bởi nhà chế biến không ngại thêm nước vào cá, tăng tỷ lệ mạ băng để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Hiện, thị trường Mỹ đã xuất hiện sản phẩm fillet cá rô phi có tỷ lệ mạ băng vượt ngưỡng cho phép. Sản phẩm kém chất lượng của một bộ phận doanh nghiệp gian dối đã kéo giá cá rô phi xuống thấp, ép giá cá nguyên liệu làm người nông dân không muốn bán ra vì doanh thu không đủ chi phí đầu vào.
Thị trường Mỹ và Mexico đang mất dần niềm tin với cá rô phi Trung Quốc. Đây là cái giá quá đắt mà ngành công nghiệp cá rô phi Trung Quốc phải trả, vì hai thị trường này nhập khẩu 70% cá rô phi của nhiều hãng chế biến Trung Quốc. Ngày càng có nhiều công ty cùng nhảy vào lĩnh vực chế biến cá rô phi, không chỉ châu Á. Các nhà chế biến Trung Quốc đang tích cực đa dạng hóa cơ sở khách hàng, nhằm khôi phục sự thịnh vượng cho ngành này. Họ đang thực hiện chiến lược liên minh, để cùng nhau hỗ trợ xuất khẩu. Họ kết hợp và khép kín chuỗi nuôi, chế biến, xuất khẩu; phục vụ cá nguyên liệu cho các doanh nghiệp khác trong chuỗi liên minh với mức giá thương lượng. Nhiều hãng chế biến đề xuất tạo code giữa các thành viên trong khối liên minh, tự thiết lập hướng dẫn giá để đảm bảo công bằng cho người nuôi cá; tạo dữ liệu về người nuôi cá cùng ký cam kết không sử dụng kháng sinh như Sulphanilamide, còn hãng chế biến ký cam kết không sử dụng Polyphosphates.
Kết quả trong cuộc chạy đua khôi phục hình ảnh và vị thế đầu bảng của cá rô phi Trung Quốc chưa đến hồi kết, song đây cũng là bài học đắt giá để các nước đang nuôi, chế biến, xuất khẩu cá rô phi như Việt Nam cùng rút kinh nghiệm.
SeafoodSource