Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng, chỉ khi kết thúc mới dự đoán được chính xác các khả năng tương lai. Tuy nhiên, một nghiên cứu độc lập ở Mỹ đã dự đoán, các năm đầu thực hiện TPP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 37% và GDP của Việt Nam tăng 10 – 11%.
Trong đó, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Năm 2012, thương mại hai chiều Việt – Mỹ đạt 25 tỷ USD, riêng nông sản chừng 4 tỷ USD và thủy sản Việt Nam xuất vào Mỹ 1 tỷ USD, chủ yếu là tôm và cá tra.
Khi thị trường mở cửa cũng có lo ngại một số nước sẽ dựng lên hàng rào kỹ thuật phi mậu dịch để ngăn cản sản phẩm thủy sản Việt Nam, vào cuộc chơi bình đẳng và tự do thì dù sao cũng sẽ có nhiều thay đổi tích cực hơn. Hiện, Mỹ cũng đã không áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam, dù có yêu cầu. Tuy nhiên, cũng có một số người không đồng ý với tự do thương mại, do e ngại sự cạnh tranh. Họ cho rằng các thị trường trong nước cần thêm thời gian để phát triển. Điều này từng xảy ra, khi Mỹ hoàn tất Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ. Như nhiều người Mexico ban đầu lo ngại rằng hàng nhập khẩu nông nghiệp từ Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân Mexico và lượng hàng nông nghiệp Mỹ nhập vào Mexico gia tăng. Thế nhưng, thập niên đầu tiên từ sau khi hiệp định được ký kết, lượng hàng nông nghiệp từ Mexico xuất sang Mỹ đã tăng gấp đôi. Hay như Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ – Hàn, khi mở cửa thị trường đón nhận dòng lưu chuyển thương mại và dịch vụ, cải thiện sự minh bạch của chính phủ và các doanh nghiệp thì Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc.
Khi TPP được ký kết, sẽ gửi ngay một tín hiệu tích cực đến cộng đồng quốc tế và sẽ cải thiện độ tin cậy của cộng đồng quốc tế vào thị trường Việt Nam. Những lĩnh vực Việt Nam đang có thế mạnh sẽ thu hút các nhà đầu tư, trong đó đương nhiên có lĩnh vực thủy hải sản. Nhưng chỉ TPP thì không giúp được nhiều, mà Việt Nam còn phải tự vận động đi lên. Trong thủy sản, cần phải cải thiện nuôi trồng, thực hiện các tiêu chuẩn tốt hơn, minh bạch hơn. TPP luôn khuyến khích nông dân nâng cao khả năng và tính hiệu quả. Thực hiện thành công quá trình này cũng đồng thời, thủy hải sản Việt Nam ngày càng tránh được các vụ kiện tụng.
Nhưng làm thế nào để phát huy thế mạnh lâu dài, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư quốc tế? Các địa phương cần không ngừng nâng cao chỉ số cạnh tranh, nhà đầu tư sẽ nhìn vào đó để lựa chọn. Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công là khả năng thích nghi và phát minh sáng tạo của một quốc gia. Điều này đòi hỏi nhân lực có tay nghề cao và được trang bị trình độ giáo dục cao hơn. Kết hợp cả nguồn nhân lực có tay nghề cao, bao gồm các sinh viên đang theo học hôm nay, với khả năng tiếp cận thị trường và các chuẩn mực thế kỷ 21 mà TPP yêu cầu.