(Thủy sản Việt Nam) – Chính phủ vừa đưa ra gói giải pháp 29.000 tỉ đồng để cứu trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp thủy sản, gói cứu trợ đã không giúp được do vốn dựa vào xuất khẩu là chính. Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Thuận Phước, Đà Nẵng (ảnh) xung quanh vấn đề này.
Chính phủ vừa đưa ra gói giải pháp trị giá 29.000 tỉ đồng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Là một trong những doanh nghiệp được thụ hưởng từ gói giải pháp này, ông có thể cho biết ý kiến của mình?
Có thể nói, gói giải pháp 29.000 tỉ đồng của Chính phủ đưa ra lúc này được giới doanh nghiệp ví như một nồi nước xông cực lớn, trong đó có chứa nhiều vị nên kịp thời xoa bóp cho người bệnh, nhưng lại không có tác dụng chữa bệnh. Tại sao tôi lại nói như vậy, vì gói cứu trợ này đối với doanh nghiệp mạnh thì không cần, doanh nghiệp yếu thì lại không quan trọng, còn doanh nghiệp vừa thì có cũng được mà không có cũng không sao. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong những tháng qua trên 90% doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nghĩa là họ đã phá sản rồi thì không còn được thụ hưởng từ gói cứu trợ này.
Trong phần lớn gói cứu trợ này dùng để hoàn thuế cho doanh nghiệp, nhưng việc hoàn thuế này chẳng có ý nghĩa gì vì đa phần doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn. Một khi doanh nghiệp đã không bán sản phẩm do họ làm ra cho người tiêu dùng thì họ lấy gì để nộp thuế mà được hoàn lại thuế như mục tiêu gói cứu trợ đưa ra.
Còn thuế môn bài hay một vài thuế khác của một doanh nghiệp đóng cho cục thuế cũng không nhiều. Như doanh nghiệp tôi 1 năm cũng đóng khoảng mấy chục triệu tiền thuế loại này. Số tiền này không phải là doanh nghiệp không đóng được nếu họ ăn nên làm ra. Theo tôi, doanh nghiệp được hưởng lợi trong gói cứu trợ mà Chính phủ đưa ra là chủ yếu giúp cho các doanh nghiệp bất động sản vì đây là những doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất.
Như ông nói ở trên, gói cứu trợ không hẳn là “thuốc bổ” cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Vậy theo ông, phải làm gì để giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn?
Kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn, cụ thể là doanh nghiệp đang có lượng hàng tồn kho lớn, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản nhiều. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang gặp những bất ổn về kinh tế vĩ mô, về chính sách điều hành nền kinh tế.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã bộc lộ nhược điểm trong những chính sách điều hành kinh tế, khi quá xem trọng các doanh nghiệp quốc doanh làm đòn bẩy và điều tiết thị trường. Những gì đã và đang xảy ra trong thời gian qua đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Vì thế, tôi không cần dẫn chứng ra đây.
Theo tôi, Chính phủ phải cải cách hành chính, cần có những con người có đầu óc kinh tế tham gia sâu hơn vào việc hoạch định và ra các quyết sách kinh tế. Nếu làm được điều đó thì may ra nền kinh tế mới đi lên được. Nền kinh tế đi lên nghĩa là doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển khi lượng hàng sản xuất ra bán được nhiều hơn. Một khi doanh nghiệp bán hàng nhiều thì tỷ lệ lao động xuống thấp, đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang tăng trưởng tốt.
Quay lại với gói cứu trợ, ông có thể phân tích thêm tại sao doanh nghiệp thủy sản nằm ngoài gói cứu trợ này?
Doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là xuất khẩu. Mà khi đã xuất khẩu thì doanh nghiệp không có thuế giá trị gia tăng, Lúc không có thuế thì lấy gì để hoàn lại. Doanh nghiệp thủy sản đang rơi vào tình cảnh này.
Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp từ chối trả lời báo chí khi được hỏi về khó khăn về vốn vì họ sợ nếu nói ra ngân hàng làm khó, không những không cho vay thêm mà ngân hàng còn tìm cách đòi về nguồn vốn đã cho vay trước đó. Liệu ông có rơi vào trường hợp này không?
Theo tôi biết, từ ngày 15/3 đến 30/5 các ngân hàng đã bỏ ra 80.000 tỉ đồng để mua trái phiếu với lãi suất thấp hơn 13%. Điều này chứng tỏ các ngân hàng đang còn một lượng tiền khá lớn để cho doanh nghiệp vay.
Hiện doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sẽ không vay được vì trước đó nhiều doanh nghiệp đã vay với lãi suất gần 20%/năm. Để được vay tiền từ ngân hàng, doanh nghiệp đã đem thế chấp tài sản của mình. Giờ họ muốn vay tiền cũng không được. Vì không còn tài sản thế chấp.
Doanh nghiệp than không có vốn, còn ngân hàng có tiền nhưng không cho vay được, đó là thực tế đang diễn ra mà chúng ta phải chấp nhận. Hy vọng, Chính phủ có những bước điều chỉnh ở cấp vĩ mô thích hợp trong thời gian tới để doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại, người lao động có việc làm.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Khởi