Một công ty con của Tập đoàn Guangdong Evergreen kết hợp giữa chế biến thủy sản và thức ăn thủy sản có trụ sở tại miền Nam Trung Quốc cho biết, do mức thuế quá cao của Mỹ, họ phải dừng dây chuyền chế biến cá rô phi quy mô lớn để đầu tư sản xuất các loài thủy sản khác thúc đẩy tiêu thụ trong nước.
Tạm dừng cá rô phi
Leo Xie, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ khoa học thủy sản Evergreen Triệu Khánh (công ty con của Tập đoàn Guangdong Evergreen) cho biết, nhà máy Evergreen Triệu Khánh có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông trước đây chế biến 25.000 – 30.000 tấn cá rô phi nguyên con, tương đương 8.750 – 10.500 tấn cá fillet. Tuy nhiên sản xuất đã phải tạm ngừng do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gây bất ổn thị trường.
Tại Triển lãm NTTS châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại Chu Hải, Quảng Đông giữa tháng 5/2019, Leo Xie nói: “Thị trường cá rô phi không ổn định và mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không biết trở nên tốt hơn hay xấu đi. Vì vậy, chúng tôi quyết định dừng việc kinh doanh này để tập trung sản xuất các sản phẩm khác”.
Evergreen là một trong những công ty NTTS lớn nhất Trung Quốc. Công ty xuất khẩu khoảng 1.500 container sản phẩm cá rô phi mỗi năm, trong đó 4/5 container được vận chuyển đến Mỹ. Với 80% sản lượng cá rô phi vận chuyển sang Mỹ, Evergreen sẽ phải chịu thuế quan rất nặng của Mỹ áp lên các sản phẩm cá rô phi Trung Quốc.
Cá rô phi Trung Quốc gặp khó tại thị trường Mỹ – Ảnh: Shutterstock
Sau khi Mỹ thực hiện việc áp đặt thuế suất 10% đối với nhập khẩu fillet cá rô phi và các sản phẩm thủy sản Trung Quốc khác vào tháng 9/2018, thay vì tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác, Công ty này đã quyết định dừng hoàn toàn việc sản xuất sản phẩm cá rô phi. Nhà máy được cải tạo lại vào tháng 11/2018. “Chúng tôi phải thực hiện chuyển đổi rất nhanh vì nếu không sẽ mất thị trường và sẽ không thể điều hành nhà máy nữa. Tôi có rất nhiều công nhân, rất nhiều sản phẩm, vì vậy tôi đã ngừng làm những thứ không ổn định và đổi sang một loại hình kinh doanh khác. Nó tốt hơn là chờ cuộc chiến thương mại kết thúc”, Leo Xie nhấn mạnh.
Chuyển hướng
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trích dẫn số liệu Hải quan Trung Quốc, cá rô phi là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc sang Mỹ, với giá trị xuất khẩu trong năm 2018 đạt 448 triệu USD, tăng 2% so năm 2017. Các sản phẩm cá rô phi gồm cá fillet đông lạnh và cá rô phi nguyên con đông lạnh.
Xie cho biết, quy mô của thị trường Trung Quốc đã đảm bảo cho việc tái sản xuất dù ông có một số điều hối tiếc. “Trong suy nghĩ của tôi, dân số tiêu dùng lớn nhất là ở Trung Quốc. Không có quốc gia nào khác có thị trường lớn như vậy. Thực sự tôi hy vọng sẽ quay trở lại với cá rô phi vì tôi đã làm con cá này hơn 12 năm rồi”, Xie nói. Mặc dù Xie hiểu điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải vượt qua thử thách để tăng sức hấp dẫn của cá rô phi đối với người Trung Quốc – vốn ưa chuộng sản phẩm cá tra hơn.
Theo Xie: “Người tiêu dùng Trung Quốc không thích mùi cá rô phi. Chúng tôi muốn khắc phục điều đó bằng cách sử dụng gia vị tẩm ướp. Thêm vào đó, Công ty sẽ tập trung chế biến cá lóc, cá chẽm Nhật Bản kiểu ướp, tẩm gia vị, hấp hoặc chiên. Công ty cũng đã thay thế các máy fillet cũ bằng máy cắt lát và đóng gói. Trước đây chỉ cần xử lý đơn giản nhưng hiện tại thị trường Trung Quốc đòi hỏi phải xử lý kỹ hơn. Vì vậy, chúng tôi đã phải thay đổi cơ sở vật chất”.
Công ty đang nhắm đến các siêu thị và cơ sở dịch vụ thực phẩm Trung Quốc như Haidilao – một chuỗi nhà hàng lẩu và sẽ cố gắng đạt doanh thu khoảng 200 triệu nhân dân tệ (tương đương 29 triệu USD).
Để đảm bảo có đủ nguồn cung, nhà máy của Evergreen đang sản xuất thức ăn cho cá rô phi và tôm và sẽ tiếp thị cho người nuôi trong vùng lân cận của nhà máy. Đó là một sự thay đổi lớn. Hiện tại, tất cả nhà máy chế biến đang nhìn vào Evergreen. Nếu việc triển khai của Evergreen khả thi, các nhà máy khác có khả năng sẽ học tập mô hình này.
>> Tập đoàn Guangdong Evergreen là một doanh nghiệp tư nhân lớn, sản xuất xuất thức ăn chăn nuôi, nghiên cứu khoa học, chăn nuôi gia cầm và nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, dược phẩm sinh học, sản xuất cơ khí và thương mại xuất nhập khẩu. |
Nam Hồng (Theo Undercurrentnews)