(TSVN) – Chuyển đổi từ nuôi tôm trong ao đất truyền thống sang mô hình thâm canh vận dụng kỹ thuật của châu Á là một quyết định đúng đắn với ngành tôm nuôi tại Guatemala. Không chỉ trang trại tiên phong Acuamaya, mà hàng trăm hộ nuôi nhỏ đều hưởng lợi.
Gần 2 thập kỷ nuôi tôm trong ao đất, Mayasal, tiền thân của Acuamaya tại Guatemala đã quyết định đổi mới mô hình nuôi sang hệ thống thâm canh TTCT đầu tiên trong ao lót bạt rộng 6,5 ha.
Thời điểm đó, ngành công nghiệp nuôi tôm của châu Á đã phát triển mạnh cùng sự ra đời của nhiều công nghệ nuôi tiên tiến. Đây cũng là động lực thúc đẩy trại nuôi Guatemala đổi mới và đi ngược lại tập quán nuôi tôm truyền thống của vùng Trung Mỹ, ví dụ như thay đổi mật độ nuôi từ mức thông thường 20 – 30 PL/m² sang 100 PL/m² và lắp đặt hệ thống quạt nước 40 hp.
Trong vụ thu hoạch đầu tiên, Acuamaya đạt sản lượng thu hoạch trung bình 23 tấn/ha. Điều này chứng minh hướng nuôi mới đã đạt kết quả tốt.
Ý tưởng là vậy, song thực hiện lại không đơn giản. Các hộ nuôi tôm nhỏ bị hạn chế về nguồn lực và đa số đều sử dụng tài sản của gia đình. Họ có rất ít hoặc không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, và ngân hàng cũng không muốn cho vay đối với một hình kinh tế chưa được chứng minh. Nhưng cuối cùng, các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ đầu tiên của Guatemala vẫn hoạt động bằng nguồn tài chính riêng vào năm 2015.
Như trường hợp mô hình thâm canh thí điểm của Mayasal, sản xuất TTCT trong các ao nhỏ lót bạt nhựa đã rất thành công và người nuôi có thể trả hết nợ vay trước thời hạn. Nhờ đó, 5 hệ thống quy mô nhỏ khác đã được tài trợ thông qua mô hình đối tác công tư (PPP) vào năm 2006, gồm ngân hàng thương mại, bảo lãnh chính phủ và hỗ trợ kỹ thuật do Mayasal đồng ý cung cấp. Tất cả các hệ thống này đã hoạt động thành công và đều trả nợ trước hạn.
Kết quả, các ngân hàng địa phương nhanh chóng nhận ra rằng hướng tiếp cận nuôi tôm này có thể sinh lời, và hơn 10 năm qua phân khúc nuôi tôm quy mô nhỏ vẫn tiếp tục phát triển thịnh vượng và được mở rộng. Hiện có khoảng hơn 150 hộ nuôi tôm dọc bờ biển Guatemala đang sử dụng công nghệ này. Hầu hết đều nuôi tôm nước lợ hoặc nước mặn trong các ao có diện tích 0,5 – 20 ha. Một số trang trại sản xuất 2 vụ nuôi mỗi năm, trong khi số khác sản xuất 4 vụ trong năm. Mật độ thả nuôi dao động 250 – 500 PL/ m², thậm chí lên đến 600 PL trong những năm gần đây.
Tổng sản lượng thu hoạch tôm hàng năm của các hộ nhỏ đạt 49 triệu pound (22.226 tấn), chủ yếu được tiêu thụ nội địa và trong vùng. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ tiếp cận nguồn thức ăn và con giống chất lượng. Công ty thức ăn chăn nuôi Areca là đơn vị cung cấp chính cho các hộ nuôi quy mô nhỏ trong nước. Nhờ mở rộng trại giống ở Monterrico, Acuamaya cung cấp phần lớn tôm giống cho thị trường nội địa và chỉ nhập khẩu một số ít từ các nước láng giềng. Không giống các nước láng giềng Trung Mỹ, hệ thống sông ngòi phục vụ nuôi tôm tại Guatemala chỉ có hạn, do đó, những trại nuôi tiên phong đổi mới như Acuamaya sớm nhận ra rằng để mở rộng sản xuất, phải tăng tỷ lệ nuôi thả thâm canh và đạt doanh thu cao hơn.
Trong cuộc cách mạng đổi mới ngành tôm, Acuamaya luôn là lá cờ đầu. Trang trại đầu tiên của công ty, còn được gọi là Mayasal được xây dựng vào năm 1983 trên vùng đất được chỉ định để sản xuất muối gần La Ginerbra. Từ diện tích ban đầu 55 ha, đến nay trang trại đã mở rộng lên 300 ha, gồm khu vực dành riêng cho động vật hoang dã và đã được chứng nhận ASC vào năm 2020.
Hơn một năm qua, những tác động từ đại dịch COVID-19, và chi phí thức ăn tăng cao đã khiến trang trại phải có những điều chỉnh về sản xuất và marketing như sử dụng thức ăn thay thế để đảm bảo mục tiêu duy trì lợi nhuận.
Dũng Nguyên
Theo InternationalFishFarming