Hà Nội: Nhiều địa phương đẩy mạnh NTTS

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đang tập trung sản xuất nông nghiệp vụ Đông. Nhận thấy, NTTS đạt hiệu quả cao, nhiều địa phương gia tăng diện tích NTTS.

Tại huyện Ứng Hòa, do địa hình trũng thấp và hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, rau màu, cây ăn quả, diện tích NTTS trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Nhiều xã như Tảo Văn Dương, Đại Hùng, Đông Lỗ, Đại Cường, Trung Tú, Đồng Tân, Trầm Lộng… đã quy hoạch và chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đại diện Phòng Kinh tế UBND huyện Ứng Hòa, tổng diện tích NTTS trên địa bàn huyện đạt gần 4.000 ha, tăng hơn 1.000 ha so năm 2015. Năng suất bình quân thủy sản ước đạt gần 9 tấn/ha. Từ hiệu quả thực tế, người dân các xã đang mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS theo quy hoạch. Huyện đã đề xuất Sở NN&PTNT cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, dẫn nước từ sông Đáy cho diện tích NTTS để tạo thuận lợi hơn cho người chăn nuôi.

Ngoài huyện Ứng Hòa, các huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín… cũng đang mở rộng diện tích NTTS. Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích NTTS trên địa bàn thành phố hơn 23.400 ha, với sản lượng từ đầu năm đến nay đạt 73.800 tấn, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2020. Để bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng Thủ đô, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, mở rộng khoảng 600 ha diện tích chăn nuôi, kết hợp cá – lúa, phấn đấu nâng tổng diện tích NTTS đạt 24.000 ha, với sản lượng 120.000 tấn thủy sản các loại.

Huyện Phú Xuyên vừa ban hành Kế hoạch số 280/KH-UBND về việc đẩy mạnh sản xuất vụ Đông năm 2021 – 2022. Phú Xuyên phấn đấu tổng diện tích sản xuất vụ đông 2021 – 2022 đạt 3.000 ha, trong đó diện tích NTTS kết hợp trồng lúa gần 700 ha.

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhìn chung hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân gắn với việc thực hiện Thông điệp 5K trong phòng, chống dịch COVID-19 khá thuận lợi. Ý thức phòng, chống dịch và tỷ lệ tiêm phòng vaccine phòng dịch của nông dân ngày càng cao. Đáng chú ý, lĩnh vực chăn nuôi, nhất là NTTS tăng trưởng khá. Vì thế, ngành nông nghiệp sẽ có chính sách hỗ trợ người NTTS về con giống, chế phẩm sinh học khử trùng môi trường ao nuôi và xây dựng các chuỗi liên kết để nhanh chóng có lượng hải sản lớn cho thị trường.

An Nhiên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!