Nghị định 67 ra đời không chỉ hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi mà còn đầu tư các cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản. Thế nhưng, gần một năm triển khai, nguồn kinh phí bố trí cho lĩnh vực này rất nhỏ giọt, làm cho các dự án khó hoàn thành đúng tiến độ.
Vũng neo trú tàu thuyền Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã hoàn thành giai đoạn 1. Tuy vậy, theo thiết kế, vũng neo đậu tàu thuyền này hiện vẫn chưa đảm bảo an toàn cho tàu neo đậu khi có bão lớn xảy ra. Dự án được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn nhưng đến nay, giai đoạn 2 triển khai rất chậm.
Cảng neo trú tàu thuyền Sa Huỳnh chưa được đầu tư hoàn thiện gây khó khăn cho tàu thuyền của ngư dân trong quá trình khai thác hải sản.
“Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn không chỉ giúp trên 400 tàu của ngư dân trong huyện có nơi neo đậu, mà còn là nơi tạm lánh nạn cho tàu các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi và cả tàu của ngư dân tỉnh bạn đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa. Bởi, khi bão, lốc xảy ra thì Lý Sơn là điểm gần nhất để những con tàu vào neo đậu. Không những thế, vào mùa mưa bão, ngoài tàu thuyền còn có hơn 60 bè nuôi tôm của bà con trên đảo cũng vào neo đậu. Vì thế, vũng trở nên quá sức chứa, đặc biệt là khi bão lớn xảy ra, phía đê đông chưa xây dựng hoàn thành nên dễ bị sóng luồn vào đánh vỡ tàu”, ông Nguyễn Văn Lê – Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, lo lắng.
Cả chính quyền địa phương và ngư dân Phổ Thạnh (Đức Phổ) hiện cũng đang lo lắng như ngư dân Lý Sơn. Khi mùa mưa bão đến, tàu thuyền nơi đây sẽ khó vào cửa biển để trú tránh an toàn. Ngư dân Huỳnh Hiển, ở thôn Thạch Bi I, bộc bạch: “Nhà tôi có 4 đôi tàu công suất trên 400 CV, có đôi cả ngàn CV, nhưng mùa mưa bão về là phải đưa tàu vào các cảng biển Đà Nẵng, Quy Nhơn neo đậu. Người một nơi, của một ngả không ai muốn cả, nhưng luồng vào vũng neo đậu Sa Huỳnh hiện khó quá, chỉ cần chệch luồng vào là nguy hiểm đến con tàu bạc tỷ ngay”.
Theo ông Nguyễn Duy Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh thì xã từng kiến nghị lên các cấp đề xuất Trung ương bố trí kinh phí để ngành chức năng nạo vét, thông luồng cửa biển và tiến hành xây dựng cảng neo trú tàu thuyền Sa Huỳnh giai đoạn 2 để phát triển nghề cá, nhưng đến nay tất cả vẫn “án binh bất động”. “Một mùa mưa bão nữa sắp về, ngư dân Sa Huỳnh lại đối mặt với rủi ro, lo mất tài sản”-ông Trinh cho hay.
Trao đổi với ông Phan Huy Hoàng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, được biết, các dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, Sa Huỳnh… xây dựng giai đoạn 2 đều nằm trong kế hoạch tổng thể xây dựng cơ sở hạ tầng thủy sản thực hiện theo Nghị định 67. Theo đó có 13 dự án được duyệt. Trong đó, có 2 dự án xây dựng dở dang, chuyển tiếp là: Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn 2) và dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ; đồng thời có 11 dự án đầu tư mới, với tổng mức đầu tư dự kiến 2.060 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, trung ương chỉ mới bố trí vốn cho 2 dự án là Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2) và Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ.
Do nguồn vốn bố trí còn quá ít nên chưa đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ được duyệt. Như dự án Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2) dự kiến đầu tư trên 400 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 100% ngân sách Trung ương cho dự án thực hiện trong 2 năm 2014 và 2015. Thế nhưng, cuối năm 2014, Trung ương mới cho ứng trước kế hoạch vốn năm 2015 là 10 tỷ đồng, còn năm 2015 bố trí kế hoạch vốn cho dự án 20 tỷ đồng nên các gói thầu thực hiện chưa đúng tiến độ.
Trong khi đó, dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ được thiết kế với quy mô xây dựng bến cầu tàu 100 – 500 CV dài 135 m; bến đứng tàu dưới 100 CV, dài 140 m; kè các loại dài 805m; nạo vét luồng và khu nước của bến 27.743 m2 và các công trình hạ tầng kỹ thuật trên bờ. Tổng mức đầu tư trên 107 tỷ đồng. Thế nhưng, khối lượng thực hiện đến nay cũng chỉ đạt 85%. Nguyên nhân do thiếu vốn. Ngoài 2 dự án này, 11 dự án đầu tư mới chưa được bố trí vốn.