(TSVN) – Với lợi thế có nhiều diện tích ven sông, ven biển, những năm qua, huyện Cẩm Xuyên đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Một trong những ưu tiên đó là quy hoạch vùng nuôi ngao thương phẩm, đồng thời khuyến khích áp dụng phương thức nuôi mới phù hợp, hiệu quả.
Những năm qua, nghề nuôi ngao đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ dân tại xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên. Là một trong những người đầu tiên khá thành công với loài nhuyễn thể này, trước đây, ông Lê Văn Ngọc (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên) làm nghề khai thác thủy sản xa bờ. Theo thời gian, tuổi cao sức khỏe yếu nên ông quyết định chuyển đổi sang nuôi trồng nhuyễn thể trên bãi bồi ven sông.
Ngao thu hoạch trên bãi chung
Ông Ngọc chia sẻ: “Do đã nhiều tuổi, nghĩ không bám trụ biển khơi mãi được nên tôi đã mạnh dạn thuê 2 ha bãi triều để nuôi ngao thương phẩm. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm và hiểu biết kỹ thuật nên sản lượng ngao thương phẩm không cao. Sau thời gian tìm hiểu thêm kỹ thuật qua sách báo, tham gia các lớp tập huấn về nuôi ngao, cùng với những đúc rút kinh nghiệm từ thực tế tôi đã nuôi thành công giống ngao Bến Tre này”.
“Vụ vừa rồi, tôi thả hơn 2 tấn ngao giống Bến Tre trên 2 ha bãi triều. Qua hơn 9 tháng, ngao phát triển tốt. Hiện tôi đang cho thu hoạch dần. Theo tính toán, sản lượng ước đạt gần 7 tấn ngao thương phẩm, sau khi trừ chi phí gia đình sẽ có lãi trên 50 triệu đồng”, ông Ngọc cho biết thêm.
Ngao là vật nuôi bản địa, từ lâu người dân đã khai thác trong tự nhiên để bán và làm giống nên tính thích nghi với môi trường khá cao, kháng bệnh tốt và phát triển nhanh. Hiện nay, để nuôi ngao, các hộ dân xã Cẩm Lộc cũng như các địa phương ven biển của huyện Cẩm Xuyên đều phải đi nhập giống từ Nam Định, Thanh Hóa. Theo chị Nguyễn Thị Tình, một hộ nuôi ngao cũng tại thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc: “Nuôi ngao không mất chi phí thức ăn nhưng để nuôi thành công thì các yếu tố môi trường, nguồn nước phải được đảm bảo. Mật độ nuôi cũng không quá dày và phải phân cỡ ngao theo định kỳ để san thưa và thu hoạch dần, như vậy mới có thu nhập”.
Theo các hộ dân nơi đây, việc thả giống phải tuân thủ đúng thời vụ, quản lý tốt vùng nuôi, thường xuyên vệ sinh lồng bãi, nuôi với mật độ vừa phải, thường là 100 kg/1.000 m2 với cỡ giống 5 vạn con/kg. Quan trọng là, thời điểm thu hoạch ngao thương phẩm phải kết thúc trước màu mưa bão mới đảm bảo ăn chắc về năng suất, sản lượng ngao cả vụ.
Người dân tập trung khai thác ngao tại bãi tự nhiên
Nghề nuôi ngao thương phẩm đang được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã Cẩm Lộc nói riêng và các địa phương ven biển huyện Cẩm Xuyên nói chung. Hiện nay, Cẩm Lộc đang từng bước triển khai thực hiện các giải pháp về quy hoạch vùng nuôi tập trung. Đồng thời, tiến hành thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi ngao và tạo ra sản phẩm hàng hóa, giúp thuận tiện trong khâu tiêu thụ.
Ông Lê Tập, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi ngao xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên cho biết: Tổ hội nghề nghiệp nuôi ngao xã Cẩm Lộc hiện có 8 thành viên. Diện tích nuôi ngao mà các thành viên trong Tổ hội đang quản lý là 20 ha, sản lượng mỗi năm gần 70 tấn. Điều quan trọng hơn, khi được sản xuất trong vùng nuôi ngao quy hoạch đã giúp giảm thiểu cách nuôi tự phát, dẫn tới tranh chấp diện tích, gây khó khăn cho nhau trong quá trình phối hợp sản xuất.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, được biết: Vùng bãi triều ven sông Quèn xã Cẩm Lộc, có khoảng 45 ha diện tích tự nhiên phù hợp cho việc nuôi ngao. Tuy vậy, đến nay chỉ mới 20 ha được đưa vào quy hoạch nuôi thâm canh. Số diện tích còn lại đang được khai thác tự nhiên nên năng suất thấp.Trong điều kiện bình thường sẽ không có vấn đề gì xảy ra, nhưng khi xuất hiện những biến động về môi trường và đặc biệt là sự bất thường của thủy triều, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngao. Nhiều thời điểm đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết hàng loạt. Bên cạnh đó, theo kết quả quan trắc môi trường hàng năm tại các vùng nuôi trồng nhuyễn thể cho thấy, ở những vùng nuôi tập trung mật độ lớn thường giảm chất lượng về nền đáy.
Do đó, để nghề nuôi ngao phát triển bền vững cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc quy hoạch vùng sản xuất để không xảy ra tình trạng tranh chấp diện tích, phát triển manh mún, tự phát; chú trọng triển khai đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất và vùng nuôi tập trung; các cơ quan chuyên môn cần thường xuyên đồng hành, tháo gỡ các vướng mắc, nhất là quan tâm tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, giảm thiểu rủi ro, giúp người dân yên tâm đầu tư thâm canh.
Nguyễn Hoàn