Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, dịch đốm trắng vừa xuất hiện trên 7 ha của 9 hộ nuôi tôm trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.
Hiện tượng tôm bị dịch đốm trắng xảy ra mới đây nhất là tại vùng nuôi Bãi Rào, thuộc địa bàn xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên), phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh), xã Kỳ Thư, Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh).
Ông Hoàng Văn Ngọ – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc cho biết: Dịch đốm trắng xuất hiện trên tôm thẻ chân trắng bắt đầu từ hồ nuôi của ông Phan Văn Tài (xóm 6) với diện tích là 3.500 m2.
Cán bộ thú y xã Cẩm Lộc kiểm tra hồ tôm của anh Lê Văn Thắng trong quá trình xử lý Chlorine
Ngày 14/5, anh Tài báo lên chính quyền xã hiện tượng tôm (khoảng hơn 30 ngày tuổi) chán ăn và đến ngày 17/5 tôm bắt đầu chết. Nhận định tôm của hộ anh Tài có thể bị dịch đốm trắng, xã đã trích nguồn thuốc Chlorine dự phòng để xử lý nhằm phòng tránh dịch bệnh lây lan sang hộ nuôi khác. Tuy nhiên, cũng trong ngày 17/5, tôm của hộ ông Lê Xuân Sửu và Lê Văn Thắng, gần diện tích nuôi của anh Tài cũng xuất hiện dấu hiệu tôm chán ăn và chết rải rác.
Nhận được thông tin về dịch, Chi cục Thú y Hà Tĩnh đã tiến hành gửi mẫu xét nghiệm ra Cơ quan Thú y vùng 3. Đến ngày 22/5, kết quả xét nghiệm cho thấy, tôm của vùng nuôi này bị dịch đốm trắng.
Ngay sau khi có kết luận, Chi cục Thú y đã trích 550 kg thuốc Chlorine để xử lý tôm bị dịch địa bàn thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên.
Được biết, diện tích tôm thiệt hại của 2 hộ ông Lê Xuân Sửu và Lê Văn Thắng khoảng 0,72 ha với 27 vạn con giống bị chết. Hộ anh Phan Văn Tài và Lê Văn Thắng sử dụng giống tôm Việt – Úc, anh Lê Xuân Sửu sử dụng giống tôm CP. Đây đều là những thương hiệu tôm giống được người nuôi ưa chuộng hiện nay.
Bà Trần Thị Thu Hoàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin tôm có dấu hiệu bị dịch, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm, đồng thời hướng dẫn chính quyền xã các bước xử lý để tránh lây lan ổ dịch, hạn chế bùng phát dịch”.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 9 hộ nuôi tôm bị dịch đốm trắng với tổng diện tích thiệt hại hơn 7 ha, chủ yếu là nuôi theo hình thức bán thâm canh. Nguyên nhân khiến tôm bị bệnh có thể là do thời tiết hoặc quá trình nuôi không đảm bảo kỹ thuật.