(TSVN) – Sau các đợt mưa lũ dồn dập, những ngày qua, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang cẩn trọng, theo dõi sát các thông số môi trường tại ao nuôi tôm để chủ động giảm thiểu dịch bệnh phát sinh trong vụ Thu Đông.
Theo người nuôi tôm tại xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, bà con mới thả nuôi đợt mới được hơn 1 tháng. Vì tôm còn nhỏ nên sức đề kháng kém, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động từ môi trường xung quanh. Sau đợt mưa lớn, tất cả các yếu tố liên quan như nguồn nước, độ pH, mật độ tảo… đều bị đảo lộn làm tôm càng dễ bị nhiễm bệnh. Vì thế, bà con đã chủ động bổ sung ôxy hợp lý bằng quạt nước liên tục, tránh phân tầng nước trong ao nuôi; tiến hành kiểm tra tình trạng của tôm 4 lần/ngày để có biện pháp xử lý kịp thời; điều chỉnh môi trường nước bằng hóa chất, vôi bột, chế phẩm sinh học…
Ảnh: Trọng Hoàng
Tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, người nuôi cho biết, vào mùa này, thời tiết diễn biến khó lường nên họ phải thường xuyên kiểm tra ao và sức khỏe của tôm, điều tiết mức nước phù hợp, đảm bảo lượng ôxy hòa tan đầy đủ.
Tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, người nuôi đã sớm chủ động kiểm tra, gia cố lại bờ ao, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, máy khuấy tạo ôxy… nhằm sử dụng khi cần điều tiết nước, điều hòa môi trường mỗi lần thời tiết thay đổi sau mưa. Theo kinh nghiệm, khi thời tiết có mưa lớn cần theo dõi sự thay đổi của môi trường, điều chỉnh kịp thời đảm bảo tôm sinh trưởng tốt; chỉ cho ăn trở lại sau khi mưa dừng và chỉ cho với lượng 30 – 50% so lúc bình thường, bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, vi sinh đường ruột (men tiêu hóa), chất bổ gan, chất tăng đề kháng Beta-glucan để tăng cường sức chống chịu cho tôm.
Được biết, nuôi tôm vào vụ Thu Đông có lãi lớn hơn so với vụ nuôi Xuân Hè nhưng thường phải đối mặt với nhiều rủi ro, tôm dễ mắc các loại bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, gan tụy cấp tính… Bởi thế, chỉ các hộ nuôi thâm canh có kinh nghiệm, cơ sở vật chất tốt, cán bộ kỹ thuật theo dõi thường xuyên thì mới nên thả nuôi.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, mùa mưa bão năm nay của Hà Tĩnh kết thúc muộn hơn, nhiệt độ trung bình thấp hơn so với trung bình nhiều năm, không khí lạnh xuất hiện sớm. Cùng với đó, lượng mưa chủ yếu tập trung vào các tháng 9, 10, 11 và cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 – 30%. Vì vậy, Chi cục Thủy sản khuyến cáo, để chủ động bảo vệ thủy sản nuôi, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tôm thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của động vật nuôi, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ, bổ sung các vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho động vật nuôi thủy sản.
Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị dịch bệnh phải báo cho chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường.
An Nhiên