Hân hoan về đích

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2017, ngành thủy sản Việt Nam phải gồng mình chống chọi với nhiều “sóng gió”, song xuất khẩu thủy sản vẫn vượt mọi rào cản để hân hoan về đích.


Năm 2017, xuất khẩu cá tra có nhiều đột phá Ảnh: Hoàng Vũ

Đối mặt nhiều thách thức

Phải nói rằng trong năm 2017, xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải đối diện với không ít khó khăn. Đó là chuyện con tôm, cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… thiếu hụt nguồn nguyên liệu trầm trọng, rồi đến các rào cản kỹ thuật của các nhà nhập khẩu. Ngay từ đầu năm 2017, tôm Việt Nam đã gặp khó khăn từ thị trường Australia khi Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước này ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm chưa nấu chín vào Australia. Với lệnh cấm kéo dài trong 6 tháng đầu năm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu tôm.

Không những vậy, ngành cá tra cũng phải đối mặt với thuế chống bán phá giá của Mỹ. Tương tự, tại thị trường châu Âu, hình ảnh con cá tra Việt Nam bị giới truyền thông của các nước EU “bôi nhọ”, khiến người tiêu dùng châu Âu dè chừng hơn, nhất là tại thị trường Tây Ban Nha.

Và mới đây nhất là việc EU đã cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam do chưa đáp ứng được các yêu cầu về vấn đề kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU). Mặc dù, cảnh báo chỉ áp dụng với sản phẩm khai thác trên biển, không áp dụng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng, song sẽ có những tác động nhất định đến ngành thủy sản Việt Nam.

“Cái khó ló cái khôn”

 Nhiều chuyên gia cho rằng, chính “cái khó đã ló cái khôn” khi giúp doanh nghiệp, người nuôi nhận ra rằng, chỉ có thay đổi cách sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, chế biến nhằm giảm thiểu thất thoát trong quá trình nuôi; Tăng cường nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh ATTP từ các thị trường nhập khẩu mới là giải pháp bền vững.

Điều này đã được minh chứng rõ khi nhiều doanh nghiệp và người nuôi đã tham gia chuỗi liên kết trong nuôi tôm. Hay như Tập đoàn Minh Phú hướng đến gia tăng chất lượng con tôm bằng hình thức nuôi tôm hữu cơ, tôm sinh thái. Đây chính là con đường mở để tôm Việt Nam cạnh tranh dễ dàng hơn với sản phẩm tôm từ quốc gia khác.

Cùng với con tôm, cá tra cũng có bước đột phá trong sản xuất nâng chất lượng, đáp ứng nhu cầu cá thịt trắng của các thị trường Mỹ, châu Âu. Theo đó, con giống cá tra sẽ được “thay máu” với Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng, giảm hao hụt cũng như giảm được chi phí nuôi trên mỗi kg, hướng tới giảm giá thành sản xuất cho người nuôi và doanh nghiệp.

Có thể thấy, trong một năm đầy những thách thức lớn, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến vẫn hân hoan về đích với 8,32 tỷ USD, tăng 18% so cùng kỳ năm 2016, đây là sự nỗ lực lớn của toàn ngành.

Bước tiếp năm 2018

Theo nhận định của Rabobank, nguồn cung thủy sản thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018. Đối với ngành tôm, Rabobank cũng đưa ra dự báo, ngành tôm thế giới năm 2018 cũng sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực với sự mở rộng sản xuất từ Ấn Độ, Indonesia và Ecuador nhờ dịch bệnh EMS và EHP vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Robabank cho biết thêm: “Tăng trưởng nguồn cung năm 2017 tương xứng với tăng trưởng nhu cầu, dẫn tới giá tôm năm 2017 ổn định và chỉ cao hơn một chút so mức giá tôm trung bình dài hạn. Chúng tôi tin rằng, diễn biến này sẽ khích lệ nhu cầu tôm trong năm 2018. Và với mức giá hiện tại, dự báo nhu cầu đối với tôm trong năm 2018 sẽ ở mức cao. Nếu dự báo nguồn cung tăng trở thành hiện thực, ngành tôm 2018 sẽ có một năm thuận lợi với giá cao và biến động giá không quá mạnh”. Rõ ràng, ngành tôm Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng, song cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nguồn cung khác, đáng nể nhất là Ấn Độ.

Với con cá tra, trong năm 2017 cũng đã có sự tích cực chuyển hướng khi thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc và gần đây nhất là thị trường Nhật Bản cũng đã có sự đón nhận nhiệt tình qua các sản phẩm phẩm cá tra tẩm bột chiên giòn, cá tra chiên sốt… Điều này tạo đà cho xuất khẩu cá tra trong năm 2018, bởi việc mở rộng thị trường sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Hơn nữa, trước tình trạng Việt Nam bị áp “thẻ vàng” vừa qua, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt hành động, thực hiện sửa đổi nhanh chóng để trong vòng 6 tháng có thể lấy lại “thẻ xanh” và xuất khẩu thủy sản vào châu Âu, thoát khỏi hệ lụy của hiệu ứng domino từ thị trường Mỹ. Nếu cùng đồng lòng thay đổi cách thức sản xuất cũng như tuân thủ đúng nguyên tắc của thị trường, vì một nền sản xuất an toàn cho môi trường và hệ sinh thái, thì ngành thủy sản Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh.

Thảo Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!