T2, 06/07/2020 11:34

Hành trình 10 năm bảo tồn giống cua đá

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong 10 năm qua, từ sự tâm huyết, nỗ lực của TS. Chu Mạnh Trinh và các đồng sự, giống cua đá Cù Lao Chàm đã được cứu thoát nguy cơ tuyệt diệt và ngày càng được nâng tầm thương hiệu.

Theo TS. Chu Mạnh Trinh, hệ lụy từ việc khai thác, đánh bắt với nhu cầu, số lượng lớn có thời gian đẩy cua đá Cù Lao Chàm sắp đi tới con đường tuyệt diệt. “Tôi từng tận mắt chứng kiến tới mùa đẻ, cua đá từ rừng bò xuống bờ biển, men theo các ghềnh đá để đẻ trứng và rất dễ dàng bắt chúng. Từ cua lớn bé cho tới cả cua đực, cua mang trứng đều bị tận diệt. Ý nghĩ phải làm gì đó để giải cứu giống loài này đã trở thành mối trăn trở trong tôi và đồng sự” – TS. Trinh nói.

Dán nhãn sinh thái lên cua đá. Ảnh: Bích Liên 

Đo kích cỡ cua đá trước khi xuất bán – Ảnh: Bích Liên

Giống cua đá tím Cù Lao Chàm có tên khoa học Gecarcoidea lalandii, vốn có số lượng rất nhiều ở Cù Lao Chàm và một số đảo gần bờ ở Việt Nam. Giống này sống giữa hai môi trường biển đảo và rừng, cần môi trường ẩm. Cù Lao Chàm là một nơi sinh trưởng tốt của giống loài này khi toàn xã đảo có 1.500ha rừng tự nhiên. Từ năm 2006 – 2011, dù đã triển khai nhiều nghiên cứu, theo dõi, giám sát, kể cả Chỉ thị 04 của Hội An (nghiêm cấm việc khai thác, vận chuyển một số loài sinh vật biển quý hiếm, trong đó có cua đá – PV), song cua đá vẫn bị khai thác trái phép do khâu quản lý vẫn còn lỏng lẻo.

Giai đoạn 2010 – 2013, từ nguồn Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), TP.Hội An và Hội Nông dân xã Tân Hiệp đã triển khai dự án KH-CN “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm” do TS Trinh chủ nhiệm bước đầu cho kết quả khả quan. Theo đó, tập trung xây dựng khung lý thuyết nhằm vận động nhân dân tham gia bảo vệ và khai thác hợp lý cua đá tại Cù Lao Chàm.

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, hội thảo, hội thi sáng tác logo xây dựng nhãn sinh thái cua đá, tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua đá cũng được thành lập. Con cua đá Cù Lao Chàm không chỉ dừng lại ở vị trí là sản phẩm của cộng đồng, mà còn là giá trị du lịch, khoa học, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Có thể nói, dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm” bước đầu mang lại hiệu quả. Từ năm 2013 – 2014, tổ cộng đồng đã khai thác và dán nhãn sinh thái lên tổng cộng 9.486 con cua đá, trong đó 6.390 con đực và 3.096 con cái. Riêng năm 2014, số cua được dán nhãn là 2.510 con, trong đó 1.791 con đực và 719 con cái. Giai đoạn 2014 – 2015, Tổ chức IUCN tiếp tục hỗ trợ chương trình MFF, Hội Nông dân xã Tân Hiệp thực hiện điều phối hoạt động của tổ cua đá thông qua đối thoại cơ chế chia sẻ lợi ích, trách nhiệm.

Dán nhãn sinh thái góp phần bảo vệ cua đá. Ảnh: Bích Liên 

Dán nhãn sinh thái góp phần bảo vệ cua đá – Ảnh: Bích Liên

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, mô hình vẫn đối mặt với nhiều trở ngại. Ví như, một số trường hợp khai thác trái phép và buôn bán lén lút cua đá không dán nhãn sinh thái tại các quán ăn trên bãi biển đã và đang xảy ra, công tác tuần tra, giám sát nhiều lỏng lẻo… Cua đá đã trở thành đặc sản của Cù Lao Chàm vì vậy việc bảo tồn góp phần giữ gìn và nâng tầm thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm nói riêng, Hội An nói chung trong mắt du khách. “Bởi lẽ du khách đến Cù Lao Chàm để du lịch, thưởng thức đặc sản thì không chỉ các thành viên trong tổ cộng đồng, các cơ sở lưu trú, nhà hàng hưởng lợi mà nhiều dịch vụ khác cũng hưởng lợi theo. Vì vậy, có thể nói, hoạt động bảo tồn cua đá cũng xuất phát vì lợi ích cộng đồng và phải là trách nhiệm của cộng đồng” – TS. Chu Mạnh Trinh khẳng định.

>> Dự án quy định, các đối tượng cua đá khai thác phải có chiều ngang 7cm (cua đá trưởng thành, đã sinh nở), không mang trứng. Về mùa khai thác, từ 1.3 đến 31.7, đây là thời điểm cua sinh nở, cấm đánh bắt. Một quy định nữa là về số lượng khai thác, trong mỗi tháng, mỗi thành viên cộng đồng (hiện có 33 thành viên) chỉ được khai thác không quá 50 con.

“Nếu trước, bà con bán cua đá với giá trôi nổi hay bị tư thương ép giá, thì từ khi tổ cộng đồng ra đời, giá bán tối thiểu được quy định 500.000 đồng/kg vào năm 2013, thời điểm năm 2014 được nâng lên 750.000 đồng và năm 2015 là 800.000 đồng. Việc dán nhãn sinh thái lên cua đá, quy định giá bán theo ký chứ không bán theo chục (10 con) như trước, bà con đã có ý thức đánh bắt cua lớn, cua trưởng thành, nhờ đó cua nhỏ và cua mang trứng tránh được nguy cơ bị đánh bắt. Dù số cua được khai thác ít hơn (trước đây khoảng 40.000 con/năm, nay khoảng 7.500 – 8.000 con/năm), song với giá cả như trên, thu nhập người dân vẫn đảm bảo” – TS. Trinh phân tích.

Trần Bích Liên

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!