Hấp dẫn thị trường Mỹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Dù có nhiều khó khăn, vậy nhưng, Mỹ vẫn luôn là thị trường hấp dẫn với thủy sản Việt Nam. Hơn nữa, những “rào cản” tại thị trường này đôi khi là cơ hội để sản phẩm thủy sản nước ta nâng tầm.

Nhiều hy vọng cho tôm

Theo thống kê của VASEP, năm nay, mặc dù khó khăn nhưng giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng dương khá đều đặn.

Sau những tháng đầu năm chậm chạp, 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 8, xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ đều tăng trưởng dương. Tới tháng 9, tình hình không còn tốt, giá trị xuất khẩu giảm 18% so tháng trước đó và chỉ đạt 64,7 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn tăng nhẹ với tỷ lệ 1,2% so cùng kỳ năm ngoái, tương đương 510,5 triệu USD, chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam và đứng thứ 2 sau EU.

Tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ, có 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Đây là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam duy trì xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Tuy nhiên, Mỹ đang áp dụng Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Mỹ yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhập khẩu nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát hoặc giả mạo xâm nhập thị trường Mỹ. Từ ngày 1/1/2019, để được nhập khẩu tôm vào Mỹ, các nhà nhập khẩu phải có Giấy phép Thương mại Thủy sản quốc tế. Quy định này đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.

Khó khăn như vậy nhưng cũng không làm giảm sức hấp dẫn từ thị trường lớn này; bên cạnh việc mở rộng các thị trường mới, thì việc đưa hàng vào Mỹ vẫn là đích đến của nhiều doanh nghiệp. Theo dự báo của VASEP, với những tín hiệu tích cực xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng khoảng 5% trong quý cuối năm nay. Và như vậy, giá trị xuất khẩu tôm cả năm sang Mỹ sẽ duy trì mức tăng trưởng dương, mặc dù không cao như kỳ vọng.

Sự khó tính của thị trường Mỹ cũng giúp sản phẩm tôm Việt Nam thay đổi và dễ dàng tiếp cận các thị trường khác. Do đó, nỗ lực vào Mỹ thành công sẽ mở cánh cửa rất rộng cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

 

Cá tra tăng cơ hội

Sau lần đánh thuế POR14 nặng, xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm mạnh. 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã giảm tới 41,5% so cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt 187,9 triệu USD. Tuy nhiên, cơ hội “trở mình” được nhen nhóm khi tháng 10 vừa qua, trong đợt công bố sơ bộ mức thuế của POR15, thuế suất các doanh nghiệp được hưởng là 0%. Mặc dù vẫn còn 120 ngày nữa mới có kết quả chính thức, thế nhưng, kết quả sơ bộ này cũng khiến cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam thêm hứng khởi.

Mỹ đã có nhiều điều chỉnh thuận lợi cho xuất khẩu cá tra Việt Nam – Ảnh: LHV

Sau đó không lâu, ngày 31/10, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Điều này góp phần khẳng định được năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ ở Mỹ mà còn các thị trường khác.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc đáp ứng yêu cầu công nhận tương đương của Mỹ góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Một bước tiến lớn đạt được ở thị trường Mỹ đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam, cả trong sản xuất lẫn xuất khẩu. Bởi Mỹ là thị trường lớn, thị trường khó tính, nếu qua ải được thị trường này thì việc đưa sản phẩm sang mở rộng tại các thị trường khác không còn là vấn đề khó.

Có thể nói, ngành cá tra Việt Nam đã được hơn nhiều sự công nhận từ phía Mỹ. Quan trọng hơn, với việc Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục giám sát, định kỳ thanh tra lại Hệ thống kiểm soát ATTP chuỗi sản xuất kinh doanh cá tra Việt Nam, thì sẽ khó có thể xảy ra tình trạng lơ là, nếu muốn cá tra Việt Nam tiếp tục đến với người tiêu dùng xứ cờ hoa.

Mỹ là thị trường khó tính, nhưng đây là “miền đất hứa” của ngành thủy sản Việt Nam. Việc đưa hàng vào quốc gia này không đơn thuần là thu về ngoại tệ, mà xa hơn là thu được sự “thiện cảm” từ nhiều thị trường khác.

>> Trong 10 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7,2% so cùng kỳ năm 2018.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!