(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2011 có 324 lượt tàu cá tỉnh Khánh Hòa đánh bắt ở quần đảo Trường Sa, Quảng Nam là 711 và Đà Nẵng là 237. Còn riêng tỉnh Quảng Ngãi có gần 4.000 lượt.
Quảng Ngãi ở Trường Sa
Từ số liệu thống kê sơ bộ của Quân chủng Hải quân cho thấy, hiện nay, lực lượng ngư dân đông đảo nhất và có mặt thường xuyên ở quần đảo Trường Sa là ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Toàn tỉnh có 5.700 tàu thuyền, mỗi năm, đoàn tàu lại được nâng cấp công suất lớn hơn để vươn ra tận Trường Sa.
Ra Trường Sa, ngư dân các tỉnh bạn khai thác 9 tháng/năm. Còn ngư dân tỉnh Quảng Ngãi thường có mặt gần như 12 tháng, kể cả mùa đông. Theo các ngư dân, mùa đông có nhiều loại lưới đánh bắt được nhiều cá nên phải mưu sinh quanh năm.
Tạm biệt đất liền ra Trường Sa – Ảnh: Văn Chương
Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân cho rằng: “Lực lượng ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt xa bờ bám biển Trường Sa, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển này”.
Theo lực lượng vùng 2 Cảnh sát biển, khi đi tuần tra khu vực đảo Trường Sa, phần lớn các ngư dân mà lực lượng Cảnh sát biển gặp là ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Những đội tàu của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi có khi đi đơn độc, có khi đi thành từng tốp và thường bám biển dài ngày so với ngư dân các tỉnh.
Và điều thiêng liêng nhất mà những người lính này cảm nhận được, đó là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên những con tàu của ngư dân Quảng Ngãi. Giữa biển trời mênh mông, màu cờ đỏ giống như cột mốc chủ quyền cắm trên vùng biển dài và rộng vạn dặm ở quần đảo Trường Sa thân yêu.
Thuyền trưởng Nguyễn Dậu cho rằng, năm nào tàu của anh cũng được Bộ đội Trường Sa hỗ trợ cho nước ngọt. Đánh bắt dài ngày, anh em lại tổ chức đến các nhà giàn thăm anh em bộ đội. Có nhiều ngư dân đã kết nghĩa với bộ đội Trường Sa.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân các địa phương thường đánh bắt ở quần đảo Trường Sa với số lượng đông như: xã Bình Chánh, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), ngư dân huyện đảo Lý Sơn, ngư dân lưới chuồn xã Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa).
Điểm tựa cho ngư dân
Những năm trước đây, do chưa có điều kiện sắm tàu to, ngư dân đi Trường Sa với chiếc tàu chỉ 45 – 65 mã lực. Còn hiện nay, ngư dân đi Trường Sa với máy công suất lớn từ 90 mã lực trở nên. Theo các ngư dân, máy lớn thì ngoài việc rút ngắn thời gian trên tuyến đường, ngư dân có thể chạy né bão ở Trường Sa. Bởi nếu chạy thẳng vào Cam Ranh (Khánh Hòa) thì quãng đường này dài hơn 250 hải lý. Chính vì vậy, khi có bão thì ngư dân chạy vòng quanh để tránh gió thay vì vào bờ.
Tàu câu mực ra Trường Sa – Ảnh: Văn Chương
Để đáp ứng với điều kiện ngư dân bám biển xa bờ, hiện nay, tại các đảo xa tại quần đảo Trường Sa đã có các dịch vụ hỗ trợ cho bà con ngư dân bám biển như: dịch vụ âu tàu ở đảo Song Tử Tây, dịch vụ Hậu cần nghề cá ở Hồ Đá Tây. Theo các ngư dân, hiện nay, khi đi hành nghề ở quần đảo Trường Sa, khi gặp gió bão thì tàu thuyền đã có điểm tựa. Đó chính là các đảo và hệ thống cảng neo tránh trú bão ngày càng hiện đại.
Đối với ngư dân câu mực khơi thường bám đảo Trường Sa dài ngày nhất, theo các ngư dân, khi ra khơi thì mỗi chiếc tàu chỉ mang theo khoảng 15.000 lít dầu và một ít nước. Số nhiên liệu này không thể dùng trong 3 tháng bám biển. Hiện nay, bà con ngư dân đã thật sự yên tâm, khi các trạm này cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân. Bên cạnh đó, các trạm bán dầu đã giúp cho ngư dân tiếp sức bám biển dài ngày.
Trường Sa bây giờ có sóng điện thoại, có cửa hàng tiếp nhiên liệu, có điểm trú bão, có bệnh viện – đó chính là điểm tựa cho những con tàu vươn khơi.
>> Nguyễn Thành, một ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, hồi kia đi biển chỉ vác theo tấm lưới, còn giờ thì mang theo tiền. Ra ngoài trạm hậu cần bà con có thể mua thêm nhiên liệu!
Văn Chương
Kỳ II: Bác sĩ ở Trường Sa