Chẳng lúc nào mùa đánh bắt thủy sản lại nhộn nhịp như bây giờ. Nào là đẩy côn, kéo lưới, cắm câu, đặt dớn… hoạt động cả ngày đêm. Trong đó, đặt xà di là loại hình mưu sinh được phổ biến hiện nay.
Mùa nước nổi, nhiều hộ dân tranh thủ đánh bắt để kiếm thêm thu nhập. Gia đình nào không có vốn thì tự tay làm dụng cụ, còn khá hơn thì cứ đến chợ mua về làm nghề. Ai nấy cũng tham gia từ vài chục đến trên trăm cái xà di. Ông Hà Văn Hồng, ở ấp 5, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Trước đây, gia đình chủ yếu sống bằng nghề cắm câu, giăng lưới, bắt chuột khi xong vụ lúa, tuy nhiên thu nhập không đáng kể. Mọi năm, thấy rất nhiều người đặt xà di có thu nhập khá nên tôi học làm vài chục cái để đặt vừa kiếm cá ăn, vừa có tiền cho con đi học”.
Ông Hồng đặt xà di mùa nước nổi.
Xà di là dụng cụ để bắt cá rô được làm bằng tre rất gọn nhẹ không cần phải đi bằng ghe hay vỏ lãi (tắc ráng), mà chỉ cần một chiếc xuồng nhỏ là có thể làm được nghề. Nước lũ năm nay lên xuống thất thường nên mùa vụ xà di chỉ bắt đầu hơn nửa tháng nay. Trời về chiều cũng là lúc nhiều hộ đặt xà di ra đồng. Tay đang chất 50 cái xà di xuống xuồng cùng cái xô mồi to, anh Võ Văn Việt, ở ấp 5, xã Hòa An, tâm sự: “Những tháng khô thì làm nghề trồng nấm rơm, nhưng đã hết vụ lúa nên chuyển sang đặt xà di những tháng nước nổi. Do năm rồi còn một số cái nên năm nay chỉ sắm thêm 30 cái nữa là đủ. Nghề đặt xà di này rất dễ làm và cho thu nhập nhất nhì trong các loại hình đánh bắt thủy sản mùa lũ”.
Chất hết xà di lên xuồng, anh vội chống ra cánh đồng lúa sau nhà để đặt cá. Trước khi đặt phải cho mồi vào xà di, sau đó chọn vị trí cần đặt rồi làm trống cỏ và gợt lớp bùn dưới ruộng, tiếp theo cắm xà di xuống đất, tủ cỏ buộc lại bằng một sợi dây chì. Cứ vài mét là đặt được cái tiếp theo. Vừa chống xuồng anh Việt nói tiếp: “Xà di phải đặt ở bờ mẫu có nhiều cỏ, gợt lớp bùn để khi cắm xà di bùn không trộn lẫn mồi. Tủ cỏ lại để có chỗ êm cá vô ăn mồi. Đặt xà di sao cho cao hơn mặt nước khoảng 10cm để cá chạy không bị chết, buộc dây để xà di đặt được vững”.
Người đặt xà di có nguồn thu nhập từ 100.000 – 300.000 đồng mỗi ngày.
Thường thì xà di được đặt nhiều nơi trên một cánh đồng. Để cá vô nhiều nhất là chọn những nơi có nhiều cỏ mà đường nước cắt ngang, vì thường cá đi theo nước nên những chỗ đó chạy rất nhiều và được cá lớn. Được biết, trước đây, xà di chủ yếu mồi đặt bằng lúa, nhưng vài năm nay, người làm nghề càng nhiều và lượng cá giảm nên đa số người làm nghề đều chuyển qua đặt mồi thuốc. Mồi đặt xà di được làm từ xác mắm, tro và một số vị thuốc bắc trộn với nhau nên đặt rất chạy cá. Không chỉ có anh Việt, mà còn rất nhiều người khác cùng làm nghề đặt xà di. Ông Hồng cùng đặt xà di cho biết: “Lúc này nước lên nhiều nên cá chạy mạnh. Với gần 100 cái xà di mỗi ngày kiếm được vài ký cá, có khi nhiều được gần chục ký. Nghề này rất nhẹ nhàng và có thu nhập đều đều mỗi ngày mà không phải lo”.
Với chi phí đầu tư sắm xà di khoảng 2 triệu đồng, người làm nghề chỉ cần đặt từ 7 – 10 ngày là lấy lại vốn. Thời gian để đổ xà di thường bắt đầu vào buổi sáng, rồi sau đó dời sang những cánh đồng bên cạnh. Đang đổ xà di chạy nhiều cá rô, anh Việt vui vẻ cho biết thêm: “Xà di hầu như cái nào cũng chạy cá, ít thì 1 – 2 con, còn nhiều thì 5 – 6 con, thậm chí 10 con. Cá đầu mùa nhỏ quá thì lựa ra nuôi cá lóc, làm mắm còn lớn thì đem ra chợ bán với mức giá 25.000 – 30.000 đồng/kg”.
Theo ông Hồng, người đặt xà di kiếm được 4 – 5 kg, còn nhiều 8 – 10 kg mỗi ngày (số lượng 50 – 100 cái). Nhờ có nhiều loại hình đánh bắt này mà các hộ dân ở đồng bằng sông Cửu Long không sợ thất nghiệp. Người ít nhất cũng có thu nhập cả trăm ngàn đồng, người nhiều lên vài trăm ngàn đồng/ngày.