(TSVN) – Trong tháng 8/2022, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 543,14 ha, tăng 6,8% so cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 9.169 tấn, tăng 3,96% so cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh được trên 8.282 ha, đạt gần 96% kế hoạch; tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 40.872 tấn, trong đó sản lượng thủy sản nuôi là hơn 39.917 tấn.
Để nâng cao thu nhập, phần lớn sau khi thu hoạch lúa Hè thu xong, người dân quyết định bỏ vụ lúa Thu đông hay còn gọi là lúa vụ 3, đưa nước phù sa ngoài kênh vào để vụ sau đất màu mỡ hơn, một số hộ chuyển sang thả nuôi cá ruộng. Chi phí đầu tư thấp, chỉ bao lưới xung quanh lại rồi thả cá, không phải tốn thức ăn nhưng lợi nhuận cao hơn nhiều so với làm lúa. Các loại cá được nông dân thả nuôi chủ yếu là cá chép, cá mè, rô phi, cá trê lai, trê vàng. Đến cuối tháng 10 âm lịch khi nước rút thì mọi người lại đồng loạt thu hoạch cá trên ruộng để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông xuân.
Thủy sản là một trong những thế mạnh của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: APA
Riêng huyện Vị Thủy, nông dân đang mở rộng phát triển mô hình nuôi lươn. Đây là đối tượng thủy sản phù hợp với kinh tế hộ gia đình nên nhiều nông dân đầu tư nuôi. Theo thống kê của Trạm khuyến nông huyện Vị Thủy (Hậu Giang), hiện trên địa bàn huyện có khoảng 250 hộ nuôi lươn, với tổng diện tích gần 2.000 m2. Trong đó có 23 hộ nuôi sinh sản bán nhân tạo, mỗi năm cung ứng khoảng 2,5 triệu con giống, đáp ứng đủ nhu cầu cho các hộ nuôi trên địa bàn huyện.
Nhờ đó, người nuôi có thu nhập ổn định. Năm 2020, có gần 200 hộ nuôi, tỷ lệ lươn giống từ sinh sản bán nhân tạo chiếm 40%, còn 60% lươn giống do người dân thu gom từ tự nhiên, nên người nuôi thường gặp nhiều rủi ro. Bằng phương pháp nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo, con giống sẽ khỏe mạnh, ít bị bệnh, giúp người nuôi an tâm và mang lại hiệu quả cao. Hiện sản lượng lươn thịt đạt từ 50 – 80 tấn/năm đã góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế ở nông thôn.
Ngọc Diệp