Chỉ cần một phiên đi biển săn rùa trái phép, mỗi ngư dân có thể trúng gần trăm triệu đồng. Nhưng hiểm họa, tai ương khôn lường khi phải lặn dưới đáy sâu bằng dây hơi thô sơ giữa đại dương nhiều hiểm nguy. Để có được những con rùa biển, nhiều người phải trả giá bằng tính mạng.
14 thuyền viên biệt tăm
Đến ngày 3/11 thì thân nhân và gia đình các ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) gần như đã rơi vào tuyệt vọng vì vẫn chưa nhận được bất kỳ tin tức nào của người thân. Hơn 20 ngày nay, con tàu của ông Trần Tiến Dũng chở 14 ngư dân đi biển đã mất liên lạc với đất liền. Ngày 6-9, con tàu ra khơi, đến ngày 10-10, ngư dân trên tàu nhắn tin cho người thân thông báo đánh bắt thuận lợi và đang trên đường trở về. Sau đó thì tất cả đều im bặt một cách lạ kỳ. Người thân các thuyền viên trên tàu không báo chính quyền địa phương mà sử dụng Icom cộng đồng liên lạc các tàu cá trên biển nhờ tìm người thân. Ông Trần Văn H. ở xã Bình Châu cho biết: “Người thân của các ngư dân trên tàu bị mất tích lo lắng, đau đớn lắm chứ. Nhưng không thể báo vụ việc cho chính quyền địa phương được. Vì chưa xác định họ bị nước ngoài bắt hay bị tai nạn trên biển, điều quan trọng là do họ hành nghề bắt rùa biển trái pháp luật nên phải giấu”.
Những con rùa biển lớn này đều được đầu nậu thu mua tại cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn)
Được biết tàu của ông Dũng là con tàu mới trị giá 2,5 tỷ đồng vừa được hạ thuỷ ít lâu. Để có được con tàu đó, ngoài tiền của gia đình ông Dũng, còn có hỗ trợ của một đầu nậu thu mua rùa biển ở Bình Châu. Trong 14 ngư dân thì có 4 ngư dân quê ở tỉnh Khánh Hòa, còn lại là người địa phương. Đây là những ngư dân giỏi lặn và rành nghề bắt rùa biển. Đáng thương nhất là gia đình ông Trần Tiến Dũng, ngoài ông còn 2 đứa con là Trần Văn Tiến, 25 tuổi và Trần Văn Lên 21 tuổi cũng cùng “định mệnh”.
Vì sợ không dám báo lên các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thân nhân của các thuyền viên chỉ biết bí mật nhờ bà P. – đầu nậu rùa biển lo liệu.
Các “đại gia” hải sản
Nhiều năm qua, cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) được biết đến là điểm lén lút tập kết thu mua rùa biển. Mặc dù lực lượng Công an, Biên phòng bắt nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng trăm con rùa biển, nhưng hoạt động mua bán vẫn lén lút diễn ra, đe doạ sự tận diệt loại động vật quý hiếm này.
Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an tỉnh Quảng Ngãi hiện đang phối hợp ngành chức năng điều tra làm rõ lô hàng 94 con rùa biển chết được ướp đá phát hiện ngày 24-10, trên xe ô tô đông lạnh BKS: 76M-0533 do Võ Văn Quang điều khiển. Toàn bộ cá thể rùa trên được chủ hàng mua lại từ các tàu đánh cá cập cảng Sa Kỳ. Sau khi lén lút thu gom, chủ hàng sử dụng ô tô đông lạnh vận chuyển toàn bộ số hàng trên sang tỉnh khác tiêu thụ.
Cách đây không lâu, tại cảng Sa Kỳ, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cũng đã bắt quả tang Nguyễn Văn Thọ, 38 tuổi, trú tại thôn An Hải, xã Bình Châu đang chuyển 117 con rùa biển với tổng trọng lượng gần 2 tấn, trong đó con nhẹ nhất là 4kg và nặng nhất 47kg, từ tàu đánh cá của mình lên xe để đưa đi tiêu thụ. Thọ khai nhận số rùa biển trên được ngư dân lặn bắt ngoài khơi và không hề biết đây là động vật bị nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, buôn bán.
Các chủ hàng thường khai nhận đem rùa biển vào tỉnh Bình Định bán, tuy nhiên qua điều tra được biết, các chủ hàng thường đem rùa biển vào TP Nha Trang hay TP. HCM bán cho các “đại lý” lớn. Trung bình mua mỗi con mua tại tàu cá giá 2-3 triệu đồng, nhưng khi vận chuyển vào tận miền Nam, giá tăng lên gấp 2-3 lần. Chính nhờ việc buôn bán loài động vật quý hiếm này, các đầu nậu nhanh chóng thành “đại gia” giới buôn bán hải sản ở cảng Sa Kỳ.
Bất chấp nguy cơ
Để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, hiện các đầu nậu thu mua rùa biển liên kết chặt chẽ với các tàu ngư dân, thậm chí khuyến khích mở rộng khai thác rùa bằng cách đầu tư hàng tỷ đồng cho ngư dân sắm tàu. Nhưng năm nào cũng có vài chiếc tàu bị nạn, bị bắt nên ngư dân trắng tay, chủ đầu nậu cũng tự xóa nợ. Tuy nhiên, vì rùa biển là món hàng siêu lợi nhuận nên khi bị nạn, các chủ tàu tiếp tục tìm cách sắm tàu khác săn rùa biển.
Vài năm trước đây, ngư dân ra khơi khai thác rùa biển không phải là nghề chuyên nghiệp, trúng con nào thì coi như là may mắn, phần ăn, phần mang về bán, phụ thêm tiền xăng dầu. Còn giờ đây, nhiều người đã đổ xô đi lặn bắt đồi mồi, rùa biển. Họ coi đó như là một nghề hái ra tiền. Nơi sinh sống của ổ đồi mồi, rùa biển chính là những đảo đá ngầm, rạn san hô, đòi hỏi thợ lặn phải được trang bị thiết bị chuyên nghiệp. Chính vì thế, những thiết bị thô sơ của ngư dân chính là nguyên nhân dẫn đến không ít tai nạn thương vong. Mặc dù tai nạn nghề lặn rập rình, nhưng trước lợi nhuận lớn, nhiều tàu thuyền ở một số xã huyện Bình Sơn và huyện Lý Sơn vẫn đang chuyển sang nghề khai thác đồi mồi và rùa biển.
Rùa biển được xếp vào diện động vật cấp bách bảo tồn, cấm khai thác. Tuy nhiên, loài sinh vật biển quý hiếm này hiện nay đang bị lén lút khai thác. Hơn bao giờ hết các ngành chức năng và địa phương phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và xử lý nghiêm khắc hành vi săn bắt và buôn bán loại cá thế đang từng ngày cạn kiệt này.
>> Nguồn gốc của hành vi phạm pháp Hiện nay nhu cầu về các sản phẩm từ rùa là rất lớn vì nhiều người cho rằng rùa có tác dụng làm thuốc, tăng ham muốn tình dục. Thịt và trứng rùa được coi là một món ăn cao cấp. Giới đại gia kháo nhau rùa nhồi được đặt ở dưới móng nhà để mang lại may mắn, đeo các sản phẩm làm từ rùa giúp chữa bệnh huyết áp thấp. Riêng mai rùa, đồi mồi hiện nay có giá trị cao, một mai rùa lớn có giá trên 7 triệu đồng để làm vật trang trí. |