Hiệu quả từ những mô hình

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình khuyến ngư tại Nam Định cho hiệu quả cao.

Mô hình cá – lúa

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Nam Định xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá ruộng 1 vụ lúa xuân – 1 vụ cá với quy mô 1ha tại hộ ông Nguyễn Hữu Mạc, xóm An Ninh, xã Yên Chính, huyện Ý Yên. Mô hình được thực hiện bằng giống lúa Nhị ưu 838, theo quy trình sau khi cấy lúa xong, đến tháng 4 tiến hành thả các loại cá truyền thống (trôi Ấn Độ, chép, mè…), đến tháng 6 khi lúa đỏ đuôi thả cá trắm cỏ. Khi lúa chín, gặt cắt ngang cây cao hơn mặt nước một chút, sau đó bón 1 kg đạm và 1 kg lân. Sau khi lúa chét lên đỏ đuôi dâng nước trong ruộng lấy thóc làm thức ăn cho cá. Xung quanh bờ kết hợp trồng cỏ để khi cá ăn hết lúa tái giá thì sử dụng làm thức ăn cho cá. Tháng 11, 12 có thể thu hoạch cá, năng suất cao hơn nhiều lần so với cấy lúa.

 

Nuôi TTCT áp dụng VietGAP

Nuôi tôm chân trắng thâm canh áp dụng GAP/CoC thực hiện theo hướng cộng đồng trách nhiệm được thực hiện ở Nam Định từ năm 2011 do Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam Định làm đầu mối. Sau 6 tháng triển khai thực hiện chương trình thực hành nuôi tốt (GAP) và nuôi có trách nhiệm (CoC) tại vùng nuôi thủy sản xã Giao Phong, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đề ra. 14 hộ tự nguyện tham gia mô hình hướng dẫn thực hành đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn đạt GAP/CoC. Kết quả của mô hình làm tiền đề tốt cho mục tiêu nuôi trồng thủy sản sạch, tạo ra khối lượng hàng hóa an toàn, thân thiện môi trường.

Ông Đoàn Văn Thuần ở xóm 7, xã Giao Hải (Giao Thủy) nuôi cá với diện tích ao hơn 13 ha, mỗi năm thu 40 tấn. Năm 2013, ông quyết định thí điểm mô hình nuôi thủy sản mặn lợ theo hướng VietGAP và tiếp tục thực hiện mô hình cho đến nay. Theo ông, nuôi TTCT tốn công hơn so với nuôi cá, nhưng đổi lại cho lãi gấp 2 – 3 lần. Khi tham gia mô hình, các đối tượng được tham gia các lớp tập huấn, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, các buổi diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức nhằm nâng cao kiến thức, chia sẻ những kinh nghiệm.

 

Nuôi cá hồng mỹ

Cuối năm 2012, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Nam Định đã tiến hành khảo sát và chọn 1 ha ao nuôi tại xã Giao Phong (Giao Thủy) để xây dựng mô hình. Tham gia mô hình có 3 hộ là hộ ông Cao Văn Ba, ông Đinh Thanh Thịnh và bà Nguyễn Thị Lương. Sau khi được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá hồng mỹ do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh tổ chức, bà Lương nhận thấy đối tượng này dễ nuôi, ít bệnh, giá trị kinh tế cao, thuận lợi nguồn thức ăn tại địa phương nên năm 2012 đã tham gia thực hiện mô hình. Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã hướng dẫn các hộ nuôi cải tạo ao đầm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn chuẩn bị 15.000 con giống/3 ao. Qua quá trình nuôi, các biện pháp kỹ thuật được cán bộ khuyến ngư hướng dẫn chỉ đạo, theo dõi thường xuyên. Kết quả, hộ ông Cao Văn Ba đạt 2,86 tấn cá; ông Đinh Thanh Thịnh 2,46 tấn và bà Nguyễn Thị Lương 2,875 tấn. Bình quân năng suất cá hồng mỹ của mô hình đạt gần 8,2 tấn/ha. Tại thời điểm thu hoạch, cá hồng mỹ có giá 75 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí mỗi ha nuôi cá hồng mỹ cho thu lãi 236 triệu đồng. Năm 2013 – 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Nam Định tiếp tục tổ chức xây dựng mô hình nuôi cá hồng mỹ.

Ngoài các mô hình nêu trên, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Nam Định còn triển khai các mô hình nuôi cá bống bớp, cá trắm bằng thức ăn công nghiệp… Theo đánh giá, các mô hình khuyến ngư triển khai ở tỉnh đều đạt các yêu cầu về môi trường, kỹ thuật, đào tạo tập huấn, cấp phát vật tư, thức ăn… theo đúng kế hoạch và quy trình của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!