(TSVN) – Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Mục đích khơi dậy tiềm năng, lợi thế, thương hiệu của địa phương và quốc gia thông qua phát triển sản phẩm của làng nghề.
Theo chương trình phát triển này, đến năm 2025 phấn đấu khôi phục, bảo tồn ít nhất 56 nghề truyền thống và 85 làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; Công nhận mới 116 nghề và 40 làng nghề truyền thống, phát triển 181 làng nghề gắn với du lịch. Cùng đó, có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng thương Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 30% số làng nghề được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường…
Một cơ sở sản xuất trong làng nghề nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: ST
Đến năm 2030, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch. Cùng đó, trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; Có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm…
Một trong những giải pháp được đưa ra là hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới. Cụ thể, tập trung phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn, trong đó có chế biến nông lâm thủy sản, mây tre đan, gốm sứ, sinh vật cảnh…; xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề…
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề theo các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại; chương trình OCOP; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến… Ngoài ra, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề lập hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP…
PV