T2, 06/07/2020 01:16

Hóa giải thách thức ngành cá ngừ

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước áp lực lớn của nghề khai thác cá ngừ, nhiều chương trình, hành động cũng như công nghệ hỗ trợ được áp dụng, thế nhưng mọi sự thay đổi vẫn còn khiêm tốn, nhất là với các thách thức mà ngành này đang phải đối mặt.


Ngành cá ngừ còn đối mặt nhiều thách thức

Khai thác bền vững

Feleti Teo, Giám đốc Ủy ban nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) cho biết, điều đáng mừng là trữ lượng của cả 3 loại cá ngừ quan trọng gồm cá ngừ vằn, cá ngừ mắt to và vây vàng tại khu vực này vẫn cách xa mức báo động nhưng để đạt được sự bền vững thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Feleti Teo đã chỉ ra những khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói chung về các giải pháp khoa học hiệu quả trong công cuộc phát triển ngành cá ngừ bền vững. Các hoạt động khai thác cá ngừ ở vùng biển phía đông Thái Bình Dương do Ủy ban cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ (IATTC) quản lý. Theo Guillermo Jimenez, Giám đốc IATTC, năm ngoái, IATTC đã tăng thời gian đóng cửa ngư trường lên 72 ngày, thể hiện nỗ lực của cơ quan này trong công cuộc bảo tồn trữ lượng cá ngừ. Ngoài ra, các thiết bị dụ cá (FDAs) cũng được thiết kế thêm chức năng ngăn chặn khả năng mắc lưới của các loài sinh vật biển khác và được làm bằng chất liệu tự nhiên hoặc có khả năng phân hủy sinh học.

Ủy ban Cá ngừ Ấn Độ Dương quản lý khai thác 16 loài cá ngừ với sản lượng năm 2016 ước đạt 1,8 triệu tấn, đây cũng là ngư trường khai thác cá ngừ lớn thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, ngành khai thác cá ngừ nơi đây có nhiều điểm khác biệt ngành cá ngừ của các vùng khác thuộc quản lý Tổ chức Quản lý nghề cá khu vực (RFMOs) và có gần 7% sản lượng khai thác từ khu vực đặc khu kinh tế của các quốc gia thành viên, gồm cả khai thác công nghiệp và khai thác thủ công. Điều này phản ánh việc khai thác bằng những ngư cụ nhỏ như câu tay, lưới rê chiếm tỷ lệ 60%, trong khi, lưới vây chỉ chiếm 24% và câu vàng chiếm 15%; tại những vùng thuộc quản lý IATTC và CWPFC, tỷ lệ nghề vây và câu vàng lần lượt là 92% và 68%.

Khai thác cá ngừ quy mô nhỏ khiến việc thu thập dữ liệu và áp dụng các biện pháp quản lý trở nên khó khăn hơn. Do đó, các tổ chức phi chính phủ như WWF đã phải tăng cường hợp tác với chính phủ, công ty khai thác cá ngừ và nông dân để thay đổi nhận thức khai thác hướng đến sự bền vững qua chứng nhận quốc tế như MSC. Dự án Cải thiện nghề cá của WWF cũng kêu gọi hơn 200 đơn vị khai thác bằng nghề vây (chiếm 20% sản lượng cá ngừ toàn cầu) chung tay bảo tồn nguồn lợi và thực hiện các giải pháp khai thác bền vững. Trong 5, 6 năm qua, WWF đã góp phần bảo tồn 35 – 65% nguồn lợi cá ngừ tại 23 ngư trường khai thác công nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, thách thức của ngành cá ngừ vẫn đầy rẫy phía trước, mà điển hình là nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao trở thành động cơ thúc đẩy hoạt động khai thác IUU.

“Cầu cứu” công nghệ

 Theo Farid Maruf, đại diện của USAID Oceans, ngành khai thác cá ngừ trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước tiên tiến đang ngày càng phát triển hơn nhờ các hệ thống giám sát tàu khai thác hai chiều kết hợp khả năng báo cáo sản lượng bằng những dữ liệu dễ hiểu, cùng nhiều thiết bị hiện đại khác như giám sát đội tàu, hàng rào địa lý (geofencing). Ngoài ra, các ứng dụng điện thoại di động cũng giúp việc tiếp nhận dữ liệu phục vụ nhật ký khai thác trở nên dễ dàng hơn, hoặc đơn giản hóa quá trình chứng nhận khai thác, trong khi chương trình truy xuất nguồn gốc giúp theo dõi sản phẩm đến khi được đưa tới các nhà máy chế biến. Sử dụng công nghệ hứa hẹn không chỉ đánh bại IUU mà còn tăng thêm giá trị cho chuỗi sản xuất cá ngừ thông qua cải thiện sản xuất và tăng cơ hội tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, một khối lượng lớn cá ngừ vẫn được khai thác bằng câu tay, câu nhấp, câu vẩy và hoạt động này hiện đang rải rác khắp các ngư trường cá ngừ thuộc quản lý của Tổ chức Quản lý nghề cá khu vực (RFMOs) với sản lượng hàng năm dao động 5.000 – 50.000 tấn. Những hoạt động khai thác này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sinh kế cho nhiều hộ ngư dân nhỏ lẻ, kết nối cộng đồng và đôi khi mang đậm màu sắc văn hóa địa phương nhưng cũng góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh lương thực và giảm thiểu tác động tới môi trường, Martin Purves từ Hiệp hội câu vảy cá ngừ quốc tế (IPLF) cho biết. Ứng dụng công nghệ cao với các hộ khai thác cá ngừ thủ công là vấn đề nan giải, nên tổ chức này đã kết hợp với ngư dân khai thác thủ công nhằm cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; nâng cao giá trị sản phẩm và mở ra cơ hội tiếp cận nhiều thị trường mới cho ngư dân, từ đó giảm vấn nạn IUU. 

>> Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương có những ngư trường cá ngừ lớn nhất thế giới, với tổng sản lượng 4,9 triệu tấn vào năm 2016. Cá ngừ vằn và vây vàng lần lượt chiếm tỷ lệ cao nhất 57% và 30%, tiếp đến là cá ngừ mắt to với tỷ lệ 8%, albacore 4% và còn lại là cá ngừ vây xanh dưới 1%. Gần 2/3 sản lượng cá ngừ khai thác trên toàn cầu là cá ngừ vằn, đây cũng là nguyên liệu chính sản xuất cá hộp, chủ yếu được khai thác tại vùng Trung Tây Thái Bình Dương.

Tuấn Anh (Theo Infofish)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!