(TSVN) – Nhìn lại chặng đường 35 năm kể từ khi thành lập, Hội NCVN đã thực sự xứng đáng là người tập hợp lực lượng, người bạn đồng hành của ngư dân, đối tác tin cậy của ngành thủy sản và kinh tế biển nước nhà.
Hội Nghề cá Việt Nam là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tự trang trải, đại diện cho hơn 2,5 triệu ngư dân Việt Nam, là “cầu nối” của ngư dân với ngành thủy sản nước ta và các tổ chức nghề cá thế giới. Hội Nghề cá Việt Nam (Hội NCVN) là Tổ chức ngoài Chính phủ (NGO) đầu tiên được thành lập trong ngành thủy sản nước ta và trực tiếp dưới sự điều hành bởi Lãnh đạo ngành thủy sản qua các nhiệm kỳ. Hội NCVN hiện là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và cũng là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến nay, Hội NCVN có 82 tỉnh hội, hội thành viên và cơ quan trực thuộc với hàng trăm nghìn hội viên, trong đó có các công ty, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản, khuyến ngư. Tạp chí Thủy sản là cơ quan ngôn luận của Hội NCVN.
Nhìn lại chặng đường 35 năm kể từ khi thành lập, Hội NCVN đã thực sự xứng đáng là người tập hợp lực lượng, người bạn đồng hành của ngư dân, đối tác tin cậy của ngành thủy sản và kinh tế biển nước nhà. Thực hiện sứ mạng cao cả đó, Hội NCVN đã xác định và nhận diện ba vấn đề then chốt, mang tầm chiến lược xuyên suốt của ngành thủy sản là: Ngư dân, Ngư nghiệp và Ngư trường (Tam ngư). Đây là ba thành tố cơ bản cấu thành một nghề cá bền vững và có trách nhiệm, cần phải được quán triệt từ tư duy, tầm nhìn, đến xây dựng chiến lược, cơ chế và chính sách của ngành thủy sản nước ta. Cho nên, tập trung giải quyết đồng bộ ba vấn đề này sẽ góp phần tăng cường “thế và lực” để nghề cá nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ vững được thị phần xuất khẩu và cải thiện được sinh kế của các cộng đồng ngư dân, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển tham gia giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Đồng
Hiện nay, cả nước đang triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong điều kiện “bình thường mới” sau Đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh như vậy, thủy sản tiếp tục được xác định là một trong sáu ngành kinh tế biển then chốt cần ưu tiên phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trên nền tảng “kinh tế thủy sản xanh” theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Và, ngư dân nước ta tiếp tục đóng vai trò tiên phong không chỉ trong làm giàu cho gia đình và đất nước, mà còn trong triển khai thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông.
Thời gian qua, Hội NCVN đã tập trung vào các hoạt động với mục đích nhất quán: (i) Góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của ngành thủy sản Việt Nam; (ii) Bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của hội viên (tập thể và cá nhân) và ngư dân; (iii) Nâng cao nhận thức và kỹ năng cho hội viên và ngư dân về phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm, gắn với bảo đảm an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đáng kể là:
– Hội NCVN đã chủ động triển khai các chương trình, dự án trong nước và hỗ trợ quốc tế liên quan đến: thúc đẩy và duy trì chuỗi giá trị tôm bền vững và công bằng ở Việt Nam; phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam; xử lý chất thải trong nuôi tôm; hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long thông qua hợp tác công – tư; tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh thủy sản có trách nhiệm ở Đông Nam Á; thúc đẩy thu gom rác thải nhựa ngoài biển và tại các cảng cá với sự tự nguyện của cộng đồng ngư dân.
– Hội NCVN đã đánh giá, chứng nhận VietGAP cho trên 100 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên phạm vi cả nước; phối hợp với FAO, Viện Thú y Na Uy tập huấn trực tuyến về dịch tễ học thủy sản. Chú trọng chuyển giao áp dụng các mô hình khai thác, nuôi trồng thủy sản và mô hình quản lý nghề cá bền vững theo chuỗi giá trị; quản lý tổng hợp nghề cá dựa vào hệ sinh thái và đồng quản lý nguồn lợi thủy sản mà về bản chất là “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cùng hưởng”; thực hành an toàn sinh học trong sản xuất ương dưỡng giống tôm nước lợ và triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực thủy sản, v.v..
– Hội NCVN tham gia tích cực và có trách nhiệm đối với các hoạt động phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, chiến lược, luật pháp liên quan tới phát triển thủy sản bền vững và có trách nhiệm ở nước ta. Ví dụ, Hội cũng có nhiều văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và các cơ quan chức năng để kiến nghị tháo gỡ khó khăn vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67; kiến nghị giải pháp thực hiện Chỉ thị 689 và Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tăng nguồn vốn đầu tư để nâng cấp hệ thống cảng cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền đánh cá; vấn đề phòng chống COVID-19 cho ngư dân trong điều kiện duy trì sản xuất – kinh doanh thủy sản,…Các ý kiến đóng góp của Hội NCVN được các cơ quan, ban, ngành đánh giá cao, tiếp thu, lựa chọn và sử dụng để làm căn cứ đề xuất chủ trương và sửa đổi chính sách của ngành thủy sản.
– Hội NCVN cũng thường xuyên kiến nghị với Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, trong đó có hỗ trợ pháp luật và nhân đạo; nâng cao kỹ năng ứng xử với các rủi ro (thiên tai và nhân tai) trên biển, các biện pháp xử lý kịp thời tình huống xấu, các vụ tai nạn tàu thuyền của ngư dân ta. Hội NCVN đã bày tỏ quan điểm bằng văn bản phản đối những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở các vùng biển của nước ta, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất của ngư dân. Đặc biệt, Hội NCVN đã có văn bản phản đối Quy chế cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông, từ 01 tháng 5 đến 16 tháng 8 hằng năm, trong đó có một phần vùng biển chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.
– Hội NCVN tham gia các mạng lưới nghề cá khu vực và quốc tế và tổ chức định kỳ “Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghệ ngành Tôm – VietShrimp”; định kỳ tổ chức bình chọn và trao tặng “Danh hiệu Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam” cho các doanh nghiệp và doanh nhân trong lĩnh vực thủy sản. Đặc biệt, tiếng nói “hồn cốt” về biển đảo và nguyện vọng của ngư dân nước ta đã được đại diện Hội NCVN, với tư cách là đại biểu Quốc hội các khóa, chuyển tải đến diễn đàn quốc gia cao nhất và phản ánh tới các cơ quan hữu trách liên quan.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các tổ chức ngoài Chính phủ hoạt động, cũng như thường xuyên nhận được sự chỉ đạo, động viên và hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhưng Hội NCVN vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Ảnh minh họa
Trước hết, những thách thức “kép” liên quan tới ngành thủy sản và hoạt động của ngư dân những năm gần đây, như: Cảnh báo “Thẻ vàng” về đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản và đời sống của ngư dân ta; tình hình an ninh, trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp với những tuyên bố đơn phương và hành vi khó lường gây ảnh hưởng đến tâm lý và khó khăn cho hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân ta; Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lâu dài cho ngành và ngư dân; tình hình thế giới, nhất là cuộc chiến Nga-Ucraina, tác động mạnh đến cán cân cung – cầu năng lượng toàn cầu, nhất là giá xăng dầu, trong đó có Việt Nam, và tác động bất bình thường đến hoạt động của ngư dân ta trên biển, làm chuỗi cung ứng thủy sản bị gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu, giá bán sản phẩm hải sản giảm sâu và bấp bênh. Hơn nữa, trên thực tế tình trạng thiếu lao động khai thác hải sản lành nghề trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19; tình hình IUU chậm được khắc phục; cơ sở hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão còn nhiều bất cập do tính thiếu đồng bộ; việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản, nhất là khâu bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, những khó khăn Hội NCVN phải vượt qua là: tăng cường ý kiến phản biện xã hội có hiệu quả; bảo hộ kịp thời và hỗ trợ nhân đạo cho ngư dân nước ta trước các hiểm họa thiên tai và nhân tai; cải thiện khả năng tự trang trải kinh phí hoạt động của hội; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của hội; tổ chức Hội ở trung ương cần được kiện toàn để hoàn thành tốt sứ mạng và nhiệm vụ được giao; một số tổ chức hội viên và hội viên cá nhân cần chủ động đóng góp các hoạt động một cách thiết thực; đa dạng hóa các hình thức hoạt động của hội để tạo ảnh hưởng lan tỏa; mở rộng cơ chế phối hợp trong hoạt động hội và với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong giải quyết các vấn đề nảy sinh đối với ngư dân; v.v..
Trước tình hình như vậy, ngoài việc quan tâm đến cách tiếp cận “Tam ngư” trong xem xét, xây dựng cơ chế, chính sách ngành thủy sản nói trên, Hội NCVN tiếp tục đề xuất, kiến nghị với ngành thủy sản và các cơ quan hữu trách chú trọng hình thành một số ngành/nghề thủy sản mới, như: (i) Tạo lợi ích kép cho hoạt động thủy sản thông qua phát triển nghề cá giải trí gắn với nuôi trồng thủy sản ở vùng cửa sông, ven biển, cũng như trong một số khu bảo tồn biển ven bờ; (ii) Ưu tiên phát triển nuôi trồng (rong nho, rong sụn, động vật biển hai mảnh vỏ) và đánh bắt một số loài hải sản (Target species) phục vụ phát triển “dược liệu biển”, bao gồm thực phẩm dinh dưỡng; (iii) Chuyển dịch cơ cấu nghề cá theo hướng ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản để giảm khai thác hải sản trong điều kiện nguồn lợi hải sản giảm sút nghiêm trọng, nhất là nuôi thủy sản trên biển (nuôi biển); (iv) Tái cấu trúc nghề cá trên cơ sở giảm cường lực đánh bắt, đi đôi với coi trọng và thực hiện bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển, coi đây là yếu tố tiên quyết để có một ngành thủy sản xanh và một nghề cá bền vững; (v) Tích cực chuẩn bị cho Đại hội toàn thể Hội NCVN nhiệm kỳ V vào đầu năm 2023; v.v..
Hơn 5 năm nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng”, thoát “thẻ đỏ” theo cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp IUU của nghề cá nước ta, cùng với không ít giải pháp đã được áp dụng và toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Tuy nhiên, xem ra, khả năng đáp ứng các yêu cầu của EC vẫn còn là một bài toán nan giải, cần thêm thời gian và cụ thể hóa trách nhiệm từ nhiều phía, của tất cả các bên liên quan, không chỉ đổ dồn lên “đôi vai” của ngư dân. Với góc nhìn của một tổ chức đồng hành cùng ngư dân, Hội NCVN cho rằng cần có giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài. Vì EC chỉ cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam ở nước ngoài, không phải ở biển Việt Nam để tránh vấn đề nhạy cảm và phức tạp về chủ quyền ở Biển Đông. Cho nên, nếu Việt Nam chỉ tập trung vào ngăn chặn ngư dân không đi đánh bắt IUU ở nước ngoài để được EC sớm gỡ thẻ vàng. Vậy, những ngư dân chấp hành tốt không đi đánh cá IUU ở nước ngoài thì họ đánh bắt cá ở đâu trong khi biển nhà còn ít cá, đặc biệt những loài cá kinh tế họ mong muốn mà chỉ ở vùng biển các nước mới còn đủ để đánh ở quy mô hàng hóa. Theo báo cáo, số ngư dân còn vi phạm IUU giảm hẳn, đồng nghĩa với việc số lượng ngư dân đánh bắt IUU trong nước tăng lên, cộng với giá xăng dầu tăng cao gần đây và “ao nhà hết cá”, thậm chí vùng lõi (Core zone) trong các khu bảo tồn biển cũng cơ bản hết, và khoảng 45% ngư dân đành phải gác tàu lên bờ. Nếu không hỗ trợ cho số ngư dân này chuyển đổi nghề nghiệp hoặc không tạo điều kiện giúp họ ra khơi bám biển được thì không những “mất lợi nhà, mà ích nước cũng không có” vì sẽ vắng bóng các “cột mốc chủ quyền” trên các vùng biển của đất nước. Nguy hại hơn, đây chính là lực lượng tiềm năng dễ dàng “tái phạm đánh cá IUU” ở nước ngoài.
Theo tinh thần trên, trong phạm vi thẩm quyền của mình, những năm qua Hội NCVN đã chủ động chỉ đạo các Tỉnh hội nghề cá/thủy sản, nhất là 28 tỉnh/thành phố TW có biển: triển khai quản lý nghề cá nhỏ ven bờ dựa vào cộng đồng; tăng cường động viên, hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy sản trên biển hiệu quả và an toàn; kịp thời thăm hỏi và động viên vật chất cho các tàu và ngư dân gặp rủi ro trên biển (thiên tai và nhân tai); chú trọng bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn các bãi giống, bãi đẻ thủy sản, v.v.. Các nỗ lực nói trên đã góp phần nhỏ bé vào ổn định và giảm giá nguyên liệu, phòng ngừa IUU, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế cho hoạt động khai thác hải sản.
Đồng hành cùng ngư dân và nghề cá Việt Nam, Hội NCVN cũng rất chú trọng hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân, trang bị kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý nghề cá cấp cơ sở thông qua các hoạt động truyền thông và tuyên truyền. Tạp chí Thủy sản Việt Nam trực thuộc Hội đã thường xuyên đăng tải để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và mọi mặt hoạt động của ngành thủy sản Việt Nam, của Hội NCVN. Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ tàu trang bị hệ thống giám sát hành trình hoạt động của tàu cá xa bờ, hướng dẫn chủ tàu tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản (2017); tham gia nhiều cuộc trả lời phỏng vấn, viết bài,…trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí trong nước và quốc tế về tình hình Biển Đông liên quan tới nghề cá và ngư dân, quan điểm và chủ trương giải quyết vấn đề của Việt Nam có liên quan tới IUU của EC, cuối cùng phải làm sao để ngư dân hiểu được lợi ích của việc loại bỏ IUU.
Gần đây nhất, Hội NCVN đã khuyến nghị với Đảng, Nhà nước và Chính phủ một số vấn đề chính như: (i) Bộ Chính trị sớm ban hành một Nghị quyết riêng về vấn đề: Ngư dân, Ngư nghiệp và Ngư trường (Tam Ngư) để tạo sự đột phá hỗ trợ phát triển đồng bộ, hướng tới xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam; (ii) Đẩy mạnh phát triển nghề cá nước ta theo hướng CNH, HĐH, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, thân thiện môi trường, bảo đảm thông tin liên lạc và giảm thất thoát sau thu hoạch, trong đó có công nghệ bảo quản sau thu hoạch; (iii) Gắn CNH, HĐH nghề cá với tổ chức lại đội tàu đánh bắt xa bờ quy mô lớn, đủ mạnh, đóng vai trò dẫn dắt; gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển để sớm chuyển từ thực tế “nông dân ra biển đánh cá” sang “công nhân ra biển đánh cá”; (iv) Cùng với tăng cường các giải pháp ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng đánh cá IUU, kết hợp ưu tiên bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn thiên nhiên biển. Giảm cường lực đánh bắt kết hợp luân phiên “đóng cửa vùng biển” quy mô phù hợp để thực hiện tốt việc kiểm soát đầu vào – đầu ra và tạo cơ hội hồi phục nhanh nguồn lợi hải sản; (v) Khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi hải sản trên biển, nuôi hải sản trên đất với công nghệ tiên tiến, thông minh và khuyến khích phát triển nghề cá giải trí; (vi) Mở rộng hợp tác khai thác hải sản ở nước ngoài, ưu tiên các nước ven biển trong khu vực, Châu Phi, Nam Mỹ,…; chuẩn bị tiền đề cho phát triển nghề cá viễn dương để Việt Nam tham gia thực hiện quyền tự do đánh cá trên vùng biển quốc tế theo quy định của luật pháp quốc tế về biển và đại dương.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi