(TSVN) – Sáng nay 23/3, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – gọi tắt là Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020.
Theo báo cáo tổng kết, chương trình đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý; Hình thành được 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp; Góp phần tạo việc làm cho đông đảo lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.
Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, đã tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến làm quà tặng sang trọng và có giá trị cao.
Ngoài ra, Chương trình OCOP góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn (khoảng 5.400 làng nghề, trong đó gần 2.000 làng nghề truyền thống). Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực và được triển khai ở nhiều địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân vùng nông thôn mà còn hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm OCOP ngày càng được nâng cao chất lượng lẫn hình thức bao bì mẫu mã, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp và các địa phương.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần xây dựng các cơ chế mang tính đột phá nhằm thúc đẩy chương trình OCOP đi vào chiều sâu hơn nữa nhằm đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ. Tránh làm OCOP theo phong trào, công nhận sản phẩm OCOP không chú ý đến chất lượng sản phẩm, làm ảnh hưởng tới tính hiệu quả của chương trình…
Hội nghị cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Có ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%…