Nhiều loại cá quý sống trên sông, suối vài năm trước đây giá cực đắt mà vẫn khó mua, thì nay đã xuất hiện đại trà ở nhiều chợ bình dân. Đó là thành quả nghiên cứu, cho sinh sản nhân tạo cá nước ngọt của các nhà khoa học, kịp cứu vãn trước khi nhiều loài cá quý tuyệt chủng …
Mặt hồ – Vương quốc mới cá sông
Trước cổng trụ sở Công ty quản lý một công trình thủy điện lớn trên sông Sêrêpôk đặt ở đường Hùng Vương TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), gần đây có gắn một biển nhỏ ngồ ngộ, rao bán cá lăng tươi sống giá 140 nghìn đồng/ ký.
Cá lăng là một trong những loài cá ngon, thịt trắng thơm ngọt xuôi về từ thượng nguồn sông Mê Kông, với gần chục chủng loại khác nhau. Loài lăng vàng be bé hàng chục con mới tròn 1 ký, còn lăng đuôi đỏ mỗi con nặng dăm ba chục ký là thường.
Nhà bè nuôi cá trên hồ thủy điện Buôn Tuor Sra.
Những năm sau giải phóng, ngư dân sống quanh các sông nhánh cuối nguồn Mê Kông, trong đó có sông Sêrêpôk vẫn vô tư đánh bắt cá lăng bằng mọi kiểu, từ dụ cá lăng nhỏ bằng cây say, đắp đập tát nước lùa cá vào rọ, cho đến câu, lưới, đánh mìn, thuốc nổ… Cách gì cũng dễ dàng ăn cá thỏa thích, vì mật độ cá lăng trên các suối sông dày đặc.
Kiểu tận thu, tận diệt đó trường diễn hàng chục năm. Sau đó, cá lăng gần như tuyệt chủng. Mỗi ký cá lăng lên tới vài trăm nghìn đồng mà vẫn khó kiếm. Thời kỳ này kéo dài, cho tới lúc cá lăng được cho sinh sản nhân tạo thành công, và trở thành một trong những loài cá nuôi ưa thích trên khắp ao hồ khắp các tỉnh phía Nam.
Ông Tuấn, chủ bè cá lăng lớn nhất trên hồ Ea Kao ngoại thành Buôn Ma Thuột kéo lưới cho chúng tôi xem những con cá lăng đuôi đỏ, vui vẻ kể: Dăm bảy năm trước, vợ chồng tôi chuyên buôn cá lăng nuôi từ các hồ thủy điện Dầu Tiếng, Trị An để bán ngược lên Tây Nguyên, nơi cá lăng sông đã gần tuyệt chủng. Sau, tôi học lỏm được nghề nuôi cá lăng, về trên này thuê luôn mặt hồ nuôi cá. Vốn góp được bao nhiêu dồn lại để nhân thêm lồng bè, đầu tư vào trại nuôi thức ăn cho cá, rồi hùn vốn mở trại cá giống dưới TP Hồ Chí Minh. Bây giờ mỗi năm trừ chi phí, tôi cũng thu lãi tiền tỷ.
Xây đường cá đi ở tỉnh Bắc Lào Bolikhamxay.
Riêng tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê của Chi cục Thủy sản, đã có trên 500 mặt hồ lớn nhỏ với tổng diện tích 16.650 ha có thể đầu tư phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Từ những mặt hồ này, nhiều loài cá ngon đang dần vắng bóng ngoài tự nhiên đã được nuôi vỗ, xuất bán ra thị trường, cung cấp cho dân bản địa hàng vạn tấn cá tươi sạch mỗi năm.
Tỉnh Gia Lai ngoài Biển Hồ, còn có hồ Ayun Hạ rộng tới 37 km2, từ lâu phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt, cung cấp cho cư dân huyện, thành phố núi. Dẫu vậy, cá giống chủ yếu vẫn lấy từ các tỉnh phía Nam…
Trí thức, ngư dân cùng bảo tồn gen quý
Từ năm 2001, trại Thực nghiệm Thủy sản trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã bắt tay nghiên cứu quy trình sản xuất các loài cá lăng đặc sản sông Mê Kông như cá lăng nha, cá lăng nghệ, cá lăng hầm. Sau 5 năm miệt mài, công trình nghiên cứu hoàn tất, được chuyển giao cho bà con nông dân và các cơ sở kinh doanh giống có nhu cầu, phổ biến nghề nuôi cá lăng nhanh chóng từ đồng bằng lên Tây Nguyên.
Năm 2009, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II chính thức công bố công trình nhân giống cá hô kéo dài suốt 7 năm đã thành công rực rỡ. Đây quả là tin vui, bởi cá hô là loài cá quý hiếm đặc hữu của hệ sông Mê Kông trước đó gần như biến mất trong tự nhiên, kể cả trên sông Vàm Nao từng là địa bàn cư trú yêu thích của giống cá nước ngọt khổng lồ này. Cá hô tự nhiên chỉ sinh sản từ tháng 7-8 hằng năm.
Còn trong môi trường nhân tạo, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ đã chủ động kéo dài được mùa sinh sản của cá từ tháng 3 đến tháng 10, lại còn có thể cho cá đẻ nhiều lần trong năm và cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật để dân nuôi đại trà. Công trình thành công ngoài lợi ích khiến cá hô tránh nguy cơ tuyệt chủng, còn giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long đa dạng cơ cấu nuôi trồng để tăng thu nhập.
Cá tầm Nga sinh trưởng tốt tại Việt Nam .
Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cũng đã thành công trong việc nhân giống cá chạch sông. Đầu năm 2012, nhóm nghiên cứu của trường thu mua cá chạch thiên nhiên về nuôi vỗ, kích thích sinh sản và thụ tinh, tiến tới ấp trứng nhân tạo. Đề tài triển khai thuận lợi đến mức chỉ tới cuối năm 2012, đã có 3.000 con cá chạch ươm nở nhân tạo được thả về với môi trường tự nhiên tại bến sông Bứa, huyện Thanh Sơn.
Trên hàng chục mặt hồ thủy điện lớn từ Bắc vào Nam, mấy năm gần đây xuất hiện nhiều bè nuôi loài cá quý nước ngọt mới du nhập vào Việt Nam là cá hồi và cá tầm, những loài cá quý châu Âu và Bắc Á có tên trong sách Đỏ. Kinh nghiệm và quy trình thuần dưỡng, nhân giống mà Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đúc kết được cũng là những bài học đáng tham khảo cho những người nuôi ý định thuần dưỡng các loài cá quý khác.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Bình Trọng, cố vấn của Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm VN cho biết: Tại hồ Tuyền Lâm thành phố Đà Lạt, Tập đoàn đã nghiên cứu thành công quy trình tiêm kích thích tố, thụ tinh, ươm trứng, cho đẻ tạo ra mặt hàng trứng cá caviar giá hàng vạn USD/ ký, và sản xuất cá giống từ những các cặp cá tầm tuyển từ nhiều lồng bè nuôi cá tầm trên các hồ thủy điện ở nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên .
Việc bảo tồn gen cá nước ngọt đôi khi cũng được thực hiện bởi những ngư dân chịu khó tìm tòi. Tại Hội thảo nuôi cá thác lác cườm do Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức giữa năm 2012, cựu binh Phạm Quang Tuyến trình bày ông đã nhân giống thành công cá lóc và cá thác lác, nuôi và xuất bán mỗi năm 500 tấn cá, có thời điểm trừ chi phí mỗi tấn lãi từ 13-15 triệu đồng. Nếu đầu ra ổn định, ông hoàn toàn có thể yên tâm làm giàu với nghề chăn nuôi, chế biến cá nước ngọt.
Mới đây, cô trò trường Đại học An Giang lại vừa kết thúc thành công đề tài nhân giống cá trê vàng sau gần 1 năm nghiên cứu.
Làm sao cứu vãn đà tuyệt chủng?
Ngày càng có nhiều công trình thuần dưỡng, sinh sản nhân tạo cá nước ngọt thành công. Tuy nhiên, mục tiêu nghiên cứu vẫn ưu tiên những loài cá hiếm quý hàng đầu, không đủ cứu vãn đà tuyệt chủng của hàng nghìn loài cá nước ngọt khác.
Gần đây, các nhà bảo vệ môi trường và các Hội nghề cá, thúc ép một số chủ đầu tư dự án thủy lợi thủy điện đã phải chấp nhận chi thêm những khoản tiền lớn bổ sung vào thiết kế phần làm cầu thang cho cá đi, nhất là trên những đoạn sông quê hương của các loài cá có tập tính lội ngược dòng để sinh sản.
Ở tỉnh Bolikhamxay phía Bắc nước Lào, một công trình thủy điện thiết kế đập chặn ngang dòng sông Mê Kông đã đầu tư xây đường cá đi. Còn ở nước ta, đại dự án thủy lợi Phước Hòa tổng vốn đầu tư lên tới gần 7 nghìn tỷ đồng nhằm chuyển nước từ lưu vực sông Bé về hồ Dầu Tiếng được coi là công trình đầu tiên có thiết kế và xây dựng đường cá đi, dưới sự giám sát chặt chẽ của một tổ chức tư vấn quốc tế.
Dù vậy, đây cũng chỉ là những trường hợp cá biệt.
>> Tại hội thảo thường niên Hiệp hội Nghề cá Quần đảo Anh năm 2011, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế công bố trong Sách Đỏ vừa cập nhật, có tới 36% trong số 5.685 loài cá nước ngọt , tương đương hơn 1/3 lượng cá nước ngọt toàn cầu đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong đó, cá tra dầu khổng lồ Mê Kông bị xếp vào mức độ cực kỳ nguy cấp. |